Tin nên đọc
Bài 1 - Gia đình kiểu mẫu, dòng họ kiểu mẫu
Năm 2023, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Nam Kim (Nam Đàn, Nghệ An) vinh dự được đón bằng công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao năm 2022. Đây là thành quả xứng đáng cho sự nỗ lực, cố gắng, đồng sức đồng lòng của cán bộ và nhân dân xã Nam Kim.
“Một yếu tố tiên quyết làm nên “thắng lợi” ấy chính là sức mạnh của nhân dân hay nói đúng hơn đó là sự thành công của công tác tuyên truyền, vận động đối với người dân, hộ gia đình trong mọi hoạt động, nhất là xây dựng Nông thôn mới. Đây là một trong nhiều nội dung quan trọng được nêu tại nhiệm vụ, giải pháp thứ 4 Chỉ thị 06-CT/TW ngày 24/6/2021 ” - ông Trịnh Xuân Hưng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nam Kim bật mí.
Trước đây, Nam Kim là một xã thuần nông, thuộc vùng bán sơn địa, nằm xa trung tâm huyện Nam Đàn, địa bàn rộng, dân số đông nên xuất phát điểm của xã là khá thấp. Đáng kể, có 8/9 xóm ở ven đồi, cạnh khe suối nên thường xuyên gặp mưa lũ, xói lở khiến hệ thống giao thông nông thôn bị hư hỏng, xuống cấp nhiều.
Khó khăn là vậy, song nhờ sự quan tâm lãnh đạo sát sao của các cấp, xã Nam Kim đã có nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao theo đúng lộ trình đề ra. Theo thống kê, xã đã vận động nhân dân tháo dỡ 189 cổng nhà, các công trình phụ trợ. Có 15.987m bờ rào, 21.548 m2 đất vườn, hàng ngàn cây ăn quả, hoa màu được người dân tự phá bỏ, bàn giao cho địa phương xây dựng các công trình.
Ông Trịnh Xuân Hưng nhớ lại những ngày tháng nhiều thôn xóm chưa có đường bê tông nông thôn, việc đi lại, sinh hoạt của bà con rất khó khăn, vất vả. Việc triển khai các chương trình nông thôn mới của huyện, của xã gặp phải bao khó khăn, nhưng vướng nhất là tư tưởng, nhận thức của người dân chưa đồng thuận, chưa cùng nhìn về một hướng. Khi đề cập tới làm đường, nhiều gia đình chưa tin tưởng, chưa thực sự vào cuộc. Họ lo rằng con đường phải làm rất dài, đóng góp rồi liệu đường có về đến nhà mình không. Quả là bài toán khó!
...Thế rồi, lời giải cũng đã có.
Bắt đầu ngay từ việc xây dựng, gìn giữ sự đoàn kết trong thôn, bàn bạc, thống nhất để mọi người cùng nhìn thấy được lợi ích của con đường mang lại. Cùng với đó chính quyền, ban lãnh đạo thôn, các chi bộ, xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết từng mét đường, dự kiến tiền cần đóng, sau đó đưa ra dân họp bàn, thảo luận, thông suốt rồi mới triển khai. Để người dân hiểu, ủng hộ không phải dễ, các Đảng viên trong chi bộ phải gương mẫu đi đầu, tới từng nhà chia sẻ về chủ trương của Đảng để người dân hiểu nông thôn mới sẽ mang lại những lợi ích gì.
Ông Đặng Hồng Lam (76 tuổi) trú tại xóm 2, xã Nam Kim - người được xem là ngọn cờ đầu tiên phong của xóm khi tự tay phá dỡ hàng chục mét mờ rào kiên cố đã được xây dựng từ trước đó.
“Ngay khi hay tin xã có chủ trương mở rộng đường giao thông, được các cán bộ, chi bộ thôn, rồi cán bộ ủy ban xã thuyết phục, giải thích, tôi đã trao đổi, bàn luận cùng gia đình phá bờ rào, hiến đất để Nhà nước làm đường. Sau khi phân tích cái được nếu gia đình ta hiến đất làm đường, giao thông thuận lợi, thúc đẩy giao thương… thì các thành viên trong gia đình ai ai cũng đồng tình…” , ông Lam cho biết.
Được biết, để mở rộng đường từ hiện trạng 4,5m lên thành 8m bản thân gia đình ông Lam đã hiến hàng chục m2 đất vườn cùng hệ thống bờ rào kiên cố để xã có đất làm đường. Đích thân con trai ông Lam là anh Đặng Văn Tình đã thay bố phá dỡ bờ rào bàn giao mặt bằng sạch rồi tự tay xây lại bờ rào mới khang trang.
Hay như hộ gia đình chị Đặng Thị Sương, anh Thái Kim Hùng có nhà ngay đầu con đường bê tông đang được xã tiến hành xây dựng mở rộng cũng đã tự nguyện đập cổng để mở rộng góc cua vào đường này. Chị Sương vui vẻ nói: “Làm cho đẹp làng, đẹp xóm thì vợ chồng tôi ủng hộ thôi. Gia đình có mất đi một ít đất rồi làm lại cổng mới nhưng đường xóm sẽ đẹp, thông thoáng, các cháu đi học cũng an toàn hơn nên chúng tôi sẵn sàng hiến đất…”.
Tại xã Nghi Ân (TP Vinh - Nghệ An), thay vì những con đường lầy lội qua các khu dân cư giờ đây được thay mới bằng những con đường trải nhựa khang trang, rộng rãi. Kể về “hành trình” hoàn thiện các con đường làng nghề hay đường Kim Tâm - Hòa Hợp, ông Chu Văn Mai vẫn không khỏi phấn khởi xen lẫn xúc động trước tình cảm của người dân trong quá trình xây dựng đường.
Tính riêng tại đường liên xóm Kim Tân - Hòa Hợp chỉ trong 2 ngày ngắn ngủi, lãnh đạo Đảng, chính quyền các ngành đoàn thể đã tổ chức họp nhân dân, quán triệt chủ trương và vận động nhân dân hiến đất mở đường. Kết quả mang lại thành công ngoài mong đợi khi 100% trong số 14 hộ dân bị ảnh hưởng đồng lòng hiến đất mở đường; với tổng diện tích hiến đất: 105m2 đất ở, đất vườn nhà; 659,88m2 đất nông nghiệp. Người dân đã tự tháo dỡ 55m tường xây, một phần trại nuôi gà, hàng chục m sân bê tông gia đình, hay vô số hàng rào cây xanh…
Là một trong những hộ dân tham gia hiến đất nhiều nhất để xã Nghi Ân làm đường làng nghề, cựu chiến binh Nguyễn Quang Huy (SN 1957) trú quán xóm Kim Chi, xã Nghi Ân (TP Vinh, Nghệ An) đã bỏ ra gần 500 m2 đất vườn, đất ở để xã làm đường giao thông nông thôn.
Ông Huy, hảo sảng chia sẻ: “Sau khi được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, cộng thêm việc xác định được ý nghĩa của việc làm đường sẽ tạo diện mạo mới, bà con đi lại thuận lợi. Tôi muốn mình là người tiên phong để người dân noi theo, nhanh chóng hiến đất để sớm có con đường khang trang, đẹp đẽ như hôm nay”.
Bà Lê Thị Vân - Bí thư Chi bộ xóm Kim Chi, cho rằng: “Vai trò của cán bộ Mặt trận tổ quốc trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, dựng xây nông thôn mới là hết sức quan trọng. Chỉ thị 06 của Ban Bí thư do đồng chí Võ Văn Thưởng ký, ban hành đã nêu được sự quan trọng của công tác Đảng đối với các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Hiểu rõ, nắm chắc được những nội dung này, tôi cùng các cán bộ xã đã không quản mưa nắng, đến từng hộ gia đình, thuyết phục họ hiến đất mở đường, chung tay với chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới. Không chỉ vậy,
Kết quả của việc hàng ngàn m2 đất được người dân xóm Kim Chi hiến để làm đường là minh chứng của điều đó. Để người dân tự nguyện hiến đất, trưởng xóm, Bí thư Chi bộ, cán bộ xã đã kết hợp nhuần nhuyễn đến tận người dân để giải thích cho người dân nghe, người dân hiểu ý nghĩa thiết thực của việc xây dựng đường giao thông. Bằng lời nói, hành động cụ thể người dân đã “thi nhau” hiến đất. Bác Nguyễn Quang Huy chính là “ngọn cờ tiên phong” có tư duy tiến bộ để hiến đất, làm đường…”.
Đánh giá về kết quả “ngoài mong đợi” khi tiến hành làm các tuyến đường giao thông trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã Nghi Ân cho rằng: “Điều quan trọng, cốt lõi là công tác tuyên truyền của cán bộ từ xã đến thôn xóm. Phải truyền tải thông tin đến người dân một cách kịp thời, chính xác và dễ hiểu. Không phải khó mà không làm mà càng khó phải càng tích cực tuyên truyền, vận động, quá trình làm phải công khai minh bạch để người dân đồng tình ủng hộ. Đảng ủy, UBND, Ủy ban MTTQ xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tổ chức nhiều cuộc họp dân, lồng ghép qua các hội nghị, sinh hoạt câu lạc bộ; phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người có uy tín ở cơ sở, khu dân cư. Phải làm được như vậy xã Nghi Ân mới có được những con đường như ngày hôm nay”.
Cùng chung suy nghĩ, Chủ tịch UBND xã Nam Kim cho rằng: Công tác tuyên truyền, làm tốt công tác dân vận để người dân thấy rõ việc xây dựng đường, xây dựng Nông thôn mới nâng cao trước hết là phục vụ lợi ích của nhân dân. Xác định việc dễ làm trước theo lộ trình, hợp sức dân, lấy nội lực của sức dân làm nền tảng.
Chia sẻ thêm về những đóng góp của người dân, hộ gia đình tại địa phương trong quá trình phát triển nói chung và xây dựng đời sống văn hóa trong giai đoạn mới nói riêng, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh ủy Nghệ An, Bí thư Thành ủy TP Vinh – ông Phan Đức Đồng cho biết: “Không phải đến bây giờ mà từ nhiều năm qua, cấp Ủy, chính quyền các cấp tại TP Vinh đã luôn xác định rõ vai trò, sức mạnh của nhân dân trong mọi hoạt động. Do đó, công tác tuyên truyền, vận động, đặc biệt công tác tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong xây dựng gia đình giai đoạn mới được địa phương hết sức quan tâm.
Đặc biệt là tác động mạnh mẽ của Chỉ thị 06 của Ban Bí thư trong công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dân vận người dân trong mọi hoạt động nhất là việc hiến đất làm đường giao thông, đóng góp kinh phí… để xây dựng thành phố Vinh ngày một khang trang, giàu đẹp, nhân dân hạnh phúc ấm no”. "Chính quyền vận động bà con hiến đất, nói cho cùng là xin bà con nhường lại một phần đất của mình...", Chủ tịch UBND xã Nghi Ân tâm sự.
Rời UBND xã Nghi Ân trên con đường nhựa thẳng tắp, sáng bóng, chúng tôi vẫn ấn tượng mãi với tâm tư của vị Chủ tịch UBND xã này: “Chính quyền vận động bà con hiến đất, nói cho cùng là xin bà con nhường lại một phần đất của mình. Bà con nhân dân có đồng thuận với chủ trương của Đảng ủy, của chính quyền xã, có ủng hộ, có hiến đất của nhà mình thì chúng ta mới mở rộng, rồi bê tông hóa đường giao thông, từ đó, bộ mặt nông thôn mới thay đổi được…đời sống nhân dân đổi thay, học sinh có đường mới tới trường, trường học khang trang, nhân dân hạnh phúc.
Từ những kết quả đó, chúng tôi thấy càng phải tăng cường phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đó là điều thành công của sự tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”.
Đến hết năm 2022 toàn tỉnh Nghệ An có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 309 xã (đạt tỷ lệ 75,18%); có 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM mới nâng cao lên 42 xã (chiếm tỷ lệ 14,23% xã NTM); có thêm 04 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu lên 06 xã; có 02 huyện đạt chuẩn NTM (Đô Lương và Diễn Châu), nâng tổng số đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới lên 9 đơn vị (Thành phố Vinh, Thị xã Thái Hòa, huyện Nam Đàn, huyện Yên Thành, huyện Nghi Lộc, thị xã Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu, huyện Đô Lương, huyện Diễn Châu).
Bình quân tiêu chí cả tỉnh là 16,95 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 35,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 6,49%; tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm Y tế đạt 88,94%; tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn tại Quyết định số 4826/QĐ-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 87%; 205 thôn/bản đạt chuẩn Nông thôn mới; 349 sản phẩm được công nhận OCOP đạt 3-4 sao.
Còn tiếp...
Nguyễn Nam - Phàn Giào Họ - Vũ Quang - Lê Hải