Báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết về hoạt động chất vấn tại các kỳ họp Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, sẽ đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với UBND cấp tỉnh, chỉ rõ những nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt…
|
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái |
Theo Thanh tra Chính phủ, năm 2017, có trên 1 triệu người đã kê khai tài sản, thu nhập. 78 người được xác minh, qua xác minh phát hiện và xử lý 5 trường hợp có vi phạm.
Theo báo cáo, năm 2017, có 29 người nộp lại quà tặng cho đơn vị, với giá trị quà tặng là 528 triệu đồng. Việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 02 nhà ở của doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã được chấn chỉnh, khắc phục, những trường hợp vi phạm bị xử lý kỷ luật, kể cả cán bộ cấp cao.
Kết quả tiếp theo được nêu tại báo cáo là xử lý 20 người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong số này Kiên Giang dẫn đầu với 11 người, Tây Ninh 3 người, Quảng Nam 2 người, các tỉnh có 1 người bị xử lý gồm An Giang , Bến Tre , Cần Thơ , Hòa Bình . Trong đó 2 người đã bị xử lý hình sự, 14 người bị xử lý kỷ luật hành chính bằng các hình thức cảnh cáo, khiển trách, các trường hợp còn lại đang trong quá trình xử lý.
Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Tổng thanh tra cho biết, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 87 vụ việc với 123 người có hành vi liên quan đến tham nhũng (tăng 70% số vụ việc, 45% số người so với năm 2016). Trong đó, công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan thanh tra các cấp đã phát hiện 50 vụ, 80 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo, các cơ quan nhà nước phát hiện 22 vụ, 24 người có hành vi liên quan đến tham nhũng. Còn qua tự kiểm tra nội bộ, các cơ quan, tổ chức đã phát hiện 15 vụ, 19 người có hành vi liên quan đến tham nhũng.
Đánh giá chung, Tổng thanh tra nhìn nhận, các chỉ tiêu phát hiện vi phạm về kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước.
Trong phòng, chống tham nhũng ngành thanh tra đã thực hiện cơ bản tốt các nhiệm vụ được giao như: tăng cường hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, nhất là về nhận định tình hình tham nhũng, đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng; thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng để phát hiện và xử lý tham nhũng.
Tuy nhiên, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tham nhũng của các cấp, các ngành vẫn còn thiếu quyết liệt. Tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản và đầu tư công.
Công tác phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương còn yếu, chưa đồng đều. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai thiếu đồng bộ, kiểm tra đánh giá không thường xuyên nên tác dụng phòng ngừa còn hạn chế.
Báo cáo nêu rõ, việc phát hiện, xử lý tham nhũng qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn hạn chế, số vụ việc phát hiện còn ít so với thực tế vi phạm. Việc nắm bắt tình hình để tham mưu thanh tra đột xuất các vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng còn ít. Xử lý đơn thư tố cáo, thông tin phản ánh về tham nhũng phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát hiện hành vi tham nhũng còn lúng túng, chưa phát huy hiệu quả.
Nêu phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng thanh tra “hứa” thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin, công khai kết quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Đáng chú ý, người đứng đầu ngành thanh tra khẳng định, sẽ đổi mới phương thức theo dõi, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là đối với UBND cấp tỉnh, chỉ rõ những nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt công tác phòng, chống tham nhũng để giúp Chính phủ kịp thời chấn chỉnh cũng như làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu sự quan tâm, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Việc làm rõ địa chỉ chưa làm tốt công tác phòng chống tham nhũng đã từng được UB Tư pháp của Quốc hội, cơ quan thẩm tra báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ nhiều lần yêu cầu. Kỳ họp này, một số vị đại biểu vẫn nêu yêu cầu này khi báo cáo của Chính phủ, của Tổng Thanh tra vẫn khá “mờ” về thông tin này.