Trả lời vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo PLVN, Luật sư Phạm Duy Bình – Trưởng Văn phòng luật sư Phạm Hải – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Căn cứ theo quy định tại Điều 32 – Luật phòng chống tác hại của rượu bia 2019quy định về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu bia như sau:
Trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia
1. Tuân thủ quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh rượu, bia; về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, an toàn thực phẩm, chất lượng, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ghi nhãn hàng hóa đối với rượu, bia.
Thông tin về sản phẩm rượu, bia phải bảo đảm chính xác, khoa học.
2. Cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về hoạt động kinh doanh của cơ sở theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
3. Không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia.
4. Thu hồi và xử lý rượu, bia không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm do cơ sở mình sản xuất, mua bán theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
5. Cơ sở bán rượu, bia phải niêm yết thông báo không bán rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
Trường hợp nghi ngờ về độ tuổi của người mua rượu, bia thì người bán có quyền yêu cầu người mua xuất trình giấy tờ chứng minh.
6. Cơ sở bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ nhắc nhở và có hình thức thông tin phù hợp đối với khách hàng về việc không điều khiển phương tiện giao thông, hỗ trợ khách hàng thuê, sử dụng phương tiện giao thông công cộng sau khi uống rượu, bia.
7. Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, không được mở mới điểm bán rượu, bia để tiêu dùng tại chỗ trong bán kính 100 m tính từ khuôn viên của cơ sở y tế, nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, một trong những trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu bia đó là không sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc kinh doanh, quảng cáo rượu, bia.
Như vậy, chủ cơ sở kinh doanh rượu bia không được phép sử dụng người chưa đủ 18 tuổi tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh thậm chí là quảng cáo rượu bia.”
Hiện nay nhiều cơ sở vẫn đang sử dụng lao động dưới 18 tuổi tham gia vào việc kinh doanh, sản xuất rượu, bia. |
Luật sư Bình cũng cho biết thêm, nếu chủ cơ sở sử dụng người chưa đủ 18 tuổi tham gia vào việc sản xuất, kinh doanh rượu bia thì sẽ bị xử phạt.
Cụ thể, theo khoản 2, Điều 35, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế quy định về vi phạm các quy định về trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia như sau:
“2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc mua, bán rượu, bia;”
Cùng với đó, Điều 4 Nghị định này quy định về mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:
5. Mức phạt tiền được quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc mua, bán rượu, bia có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân và từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức theo các quy định được trích dẫn ở trên.