Có thể khẳng định khởi nguồn của phong trào “Thanh niên tình nguyện” chính là phong trào “Ba sẵn sàng”.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đoàn lần thứ tư, khoá XII đã thống nhất lựa chọn chủ đề công tác năm 2024 là “Năm Thanh niên tình nguyện”. Đây là năm đánh dấu nhiều sự kiện đặc biệt có ý nghĩa trong phong trào thanh niên tình nguyện như: Kỷ niệm 60 năm phong trào “Ba sẵn sàng”, 10 năm “Năm Thanh niên tình nguyện”, 25 năm Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè.
|
Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp tình nguyện với công tác chuyên môn của Bộ. |
Nhân dịp hướng tới kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 - 26/3/2024), chúng ta cùng nhìn lại lịch sử của phong trào “Thanh niên tình nguyện” theo dòng chảy thời gian!
Phong trào “Ba sẵn sàng” ra đời - Dấu son tự hào của tuổi trẻ
Có thể khẳng định khởi nguồn của phong trào “Thanh niên tình nguyện” chính là phong trào “Ba sẵn sàng”. Đầu những năm 1960 đế quốc Mỹ đã thất bại nặng nề trong chiến tranh đặc biệt. Chúng ồ ạt đưa quân vào miền Nam và quyết chặn đứng viện trợ của miền Bắc cho miền Nam. Ngày 05/8/1964 đế quốc Mỹ đã tiến hành chiến tranh phá hoại ra miền Bắc bằng không quân, chúng ngạo mạn thách thức chúng ta: Quyết đưa miền Bắc trở lại thời kì đồ đá. Trước tình hình khẩn trương của cách mạng, tại khắp các nhà máy, đồng ruộng, trường học đâu đâu cũng thấy các đoàn viên, thanh niên nêu nguyện vọng thiết tha sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng ra tiền tuyến đánh giặc. Đó là nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ cả nước trong đó có tuổi trẻ Hà Nội.
|
Đoàn TN Bộ Tư pháp thăm, tặng quà tại trại Phong Quả Cảm. |
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ngày càng diễn ra ác liệt, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước sâu sắc đã khiến gần 100 chi đoàn sinh viên tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội dấy lên tinh thần xung phong, sẵn sàng nhận bất kì nhiệm vụ nào mà Đảng, Đoàn và Nhà trường giao phó. Từ khí thế sôi nổi của các cơ sở Đoàn, Ban Chấp hành Đoàn Trường đã phát động phong trào “Tam bất kì” với 03 nội dung cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến việc sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ công tác của sinh viên sau khi tốt nghiệp: (1) Bất kì đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần đến; (2) Bất kì làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu; (3) Bất kì chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận.
|
Trao quà cho lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang. |
Phong trào “Tam bất kì” sau đó đổi gọi là “Ba bất kì” và được triển khai sâu rộng ở các cơ sở Đoàn các khoa, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo sinh viên, được Đảng ủy, Ban Giám đốc Nhà Trường ủng hộ, hoan nghênh. Một khí thế mới được dấy lên: Khí thế xung phong nhận mọi nhiệm vụ công tác, sẵn sàng đi đến mọi vùng miền của Tổ quốc. Cuối tháng 4/1964, trong một cuộc họp của Ban Chấp hành Đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, theo đề nghị của một nữ sinh viên Khoa Toán, phong trào “Ba bất kì” được đổi thành “Ba sẵn sàng”.
Phong trào “Ba sẵn sàng” - Bản hùng ca của tuổi trẻ trong những năm chống Mỹ
Đáp lại lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã làm Lễ phát động phong trào “Ba sẵn sàng” vào buổi tối 30/4/1964 tại nghĩa trang Mai Dịch, huyện Từ Liêm với sự tham gia của 7.000 đoàn viên cùng lời tuyên thệ:
Sẵn sàng nhập ngũ, chiến đấu đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược!
Sẵn sàng hy sinh bảo vệ Miền Bắc XHCN, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước!
Sẵn sàng làm bất cứ việc gì, đi bất cứ nơi nào mà Đảng, nhân dân, Tổ quốc cần đến mà không đòi hỏi đãi ngộ!
Sau Lễ tuyên thệ “Ba sẵn sàng”, 7.000 đoàn viên, thanh niên cầm trên tay 7.000 bó đuốc diễu hành từ nghĩa trang Mai Dịch đến xã Dịch Vọng, sáng rực một góc trời phía Tây Hà Nội, với những lời hô “Sẵn sàng! Sẵn sàng! Sẵn sàng!” vang trời dậy đất. Sau lễ ra quân “Ba sẵn sàng” của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, các báo, đài liên tục đưa tin: Các trường Đại học Bách Khoa, Y Dược, Giao thông, Xây dựng, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, HTX Nông Nghiệp Việt - Trung…làm Lễ ra quân “Ba sẵn sàng!” tạo nên khí thế sôi sục, hào hùng.
|
Đoàn viên, thanh niên Bộ Tư pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. |
Phong trào sau đó được đoàn viên, thanh niên các trường đại học khác và nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn Hà Nội hưởng ứng sôi nổi. Đêm ngày 07/8/1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã họp bất thường, quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với các nội dung: (1) Sẵn sàng chiến đấu; (2) Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; (3) Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến. Đêm ngày 09/8/1964, có khoảng 500 đoàn viên và trên 2 vạn thanh niên tập trung ngoài phố giương cao khẩu hiệu “Ba sẵn sàng”. Thành đoàn Hà Nội đã đọc lời kêu gọi và được thanh niên đáp lại “sẵn sàng, sẵn sàng, sẵn sàng” vang động cả một góc trời Thủ đô. Có lẽ ngày 09/8/1964 sẽ là ngày không bao giờ quên đối với các thế hệ thanh niên, nó đã đi vào lịch sử phong trào thanh niên Thủ đô như một dấu son của tuổi trẻ.
Sau một tuần phát động có 240 ngàn thanh niên đã ghi tên nguyện “Ba sẵn sàng” trong đó có 80 ngàn thanh niên xung phong ra trận. Trên khắp các tuyến phố đều căng nhiều khẩu hiệu như: Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù. Đâu có giặc là ta cứ đi. Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước…
Thủ đô Hà Nội có vinh dự là nơi khởi nguồn phong trào “Ba sẵn sàng” mà Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chính là cái nôi của phong trào. Thời điểm đó, cả Hà Nội như rực lửa Tòng quân, đi thanh niên xung phong trở thành nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ Thủ đô và trên mọi miền đất nước lúc bấy giờ. Đó là những ngày mà thanh niên Hà Nội không một ai muốn đứng ngoài, ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước. Hình ảnh hàng ngàn chàng trai, cô gái Hà Nội hào hoa, duyên dáng giữa phơi phới tuổi xuân nửa đêm lên đường xuất quân tại Quảng trường Ngân hàng Trung ương, Quảng trường Nhà hát Lớn rực ánh lửa; tiếng những thanh niên dõng dạc đọc lời thề “Ba sẵn sàng” trong buổi tiễn đưa những chàng trai, cô gái Hà thành vào Nam chiến đấu “chia lửa với miền Nam ruột thịt”, tiễn đưa các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước… là dấu ấn không thể xóa nhòa của tuổi trẻ Hà Nội trong một giai đoạn lịch sử vẻ vang, oanh liệt.
Tháng 3 năm 1965 Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chính thức kêu gọi thanh niên cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ Thủ đô và bổ sung thêm nội dung của phong trào, đó là:
Sẵn sàng chiến đấu và gia nhập lực lượng vũ trang.
Sẵn sàng học tập và lao động xây dựng cuộc sống mới.
Sẵn sàng đi tới nơi nào mà Tổ quốc cần đến.
Phong trào “Ba sẵn sàng” chính thức được Trung ương Đoàn phát động ra toàn quốc như rừng lửa cháy sáng rực khắp đất trời Việt Nam! Phong trào “Ba sẵn sàng” chính là ngọn lửa thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên, thôi thúc hàng triệu thanh niên Việt Nam tình nguyện cống hiến cả tuổi thanh xuân và sức trẻ cho cuộc kháng chiến trường kỳ và vĩ đại của dân tộc. Hàng triệu thanh niên đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” - trở thành ngày hội lớn của thanh niên, của cả dân tộc Việt Nam với mục tiêu: Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, bảo vệ miền Bắc XHCN, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc theo lời kêu gọi của Bác Hồ kính yêu.
|
Mang hơi ấm đến với các cháu học sinh nhân dịp Tết nguyên đán tại tỉnh Lai Châu. |
Sức lan tỏa của ngọn lửa “Ba sẵn sàng”
Phong trào “Ba sẵn sàng” đã phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, đến với tất cả các đối tượng thanh niên, cũng từ đây đã sản sinh những tập thể anh hùng đi vào lịch sử, đó là sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã Ba Đồng Lộc; của 12 cô gái của tiểu đội thép đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở nơi đánh phá ác liệt Truông Bồn (Nghệ An); của những thanh niên công nhân Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội) khi “Cảm tử bảo vệ dòng điện”.
Phong trào “Ba sẵn sàng” đã sản sinh ra những cá nhân anh hùng như: Anh hùng Trịnh Tố Tâm - 53 lần được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”; như Anh hùng Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến diệt quân thù”; như Anh hùng Liệt sĩ Bùi Ngọc Dương, Anh hùng Liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, Anh hùng Liệt sĩ, Bác sỹ Đặng Thùy Trâm và nhiều tấm gương anh hùng tiêu biểu khác. Tất cả những tấm gương thanh niên sống, chiến đấu, hy sinh vì Tổ quốc trong phong trào “Ba sẵn sàng” là những mẫu hình tiêu biểu của một thế hệ thanh niên anh hùng trong một dân tộc anh hùng.
|
Các tổ chức Đoàn của Đoàn Bộ tặng quà cho các cháu thiếu nhi nhân dịp Ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6. |
Phong trào “Thanh niên tình nguyện” - sự tiếp nối của tinh thần “Ba sẵn sàng” thời kháng chiến
Có thể nói phong trào “Ba sẵn sàng” đã đi vào lịch sửa như một thiên anh hùng ca của tuổi trẻ, là nền tảng để phong trào “Thanh niên tình nguyện” tiếp bước, gánh vác sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong thời đại mới.
Phong trào “Thanh niên tình nguyện” đã thực sự là cơ hội để tuổi trẻ khẳng định sức mình ở những nơi, những lĩnh vực như: Phát triển kinh tế - làm giàu chính đáng; tiếp thu, truyền bá và tiến quân vào khoa học công nghệ; tham gia cải cách hành chính, bảo vệ môi trường, quản lý đô thị và đảm bảo an toàn giao thông; phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; khắc phục thiên tai, dịch bệnh hay ngăn chặn suy giảm kinh tế; các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng; hoạt động đền ơn đáp nghĩa; xung kích bảo vệ Tổ quốc và các chương trình vì chiến sỹ nơi biên giới hải đảo; hội nhập quốc tế và quảng bá thương hiệu Việt Nam…
|
Đoàn TN Bộ trao quà cho các gia đình bị thiệt hại do lũ lụt gây ta tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. |
Phong trào “Ba sẵn sàng” trong những năm tháng chống Mỹ được ví như “mồi lửa” thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên vốn đã như “củi khô” chờ được đốt cháy. Ngọn lửa ấy vẫn sáng mãi đến hôm nay, với những phong trào thi đua xung kích được tuổi trẻ cả nước đẩy mạnh triển khai trong nhiều năm qua.
Có thể thấy, trong thời bình, lớp lớp thanh niên hôm nay với trái tim cháy bỏng nhiệt huyết, với bàn tay, khối óc và tinh thần tình nguyện đã hăng hái đến với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đến với các công trình lớn của đất nước, cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xung kích, tình nguyện đã trở thành một phẩm chất tốt đẹp, được trao truyền từ thế hệ thanh niên này đến thế hệ thanh niên khác; là điểm tựa vững chắc cho tuổi trẻ hôm nay vững bước cùng dân tộc thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
|
Chương trình tuyên truyền pháp luật kết hợp với trao quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Tây Ninh. |
Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp và những “dấu chân” tình nguyện
Sinh thời, trong một dịp về thăm lực lượng thanh niên xung phong và các đơn vị vận tải kho hàng dọc tuyến đường số 3, Bác Hồ đã dành tặng cho đội thanh niên xung phong 312 nói riêng và thanh niên cả nước nói chung 04 câu thơ vô cùng ý nghĩa:
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp bể
Quyết chí ắt làm lên”
Thực hiện lời dạy của Người, trong suốt những năm qua được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Cấp ủy các đơn vị thuộc Bộ, Đoàn Khối các cơ quan Trung ương cùng sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Bộ, các Chi đoàn, Đoàn cơ sở trực thuộc Đoàn Bộ Tư pháp nói chung và đoàn viên, thanh niên các đơn vị nói riêng không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Là những công chức, viên chức của một cơ quan đầu ngành về pháp luật nên Đoàn Thanh niên Bộ, các Chi đoàn, Đoàn cơ sở trong những năm qua luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm các hoạt động của Đoàn là gắn liền với công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
Chính vì vậy, trong những năm qua đoàn viên, thanh niên các đơn vị đã được tham gia trực tiếp các ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng văn bản, thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; tham gia góp ý hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành, địa phương thông qua công tác chuyên môn đã giúp cho các bạn đoàn viên, thanh niên từng bước khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển của Bộ, ngành.
Đối với công tác nghiên cứu khoa học, Bộ Tư pháp với nhiệm vụ giúp Chính phủ trong công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học pháp lý trong việc cải cách pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tổ chức công tác thông tin khoa học pháp lý trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không có liên hệ với thực tiễn là lý luận suông”. Nhận thức sâu sắc lời dạy của Người, từng cơ sở đoàn nói chung và đoàn viên, thanh niên các đơn vị thuộc Bộ nói riêng với nhiệm vụ được giao đã tích cực tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học, có những đóng góp tích cực cho Bộ, Ngành Tư pháp trong trong việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, kinh nghiệm trong nước và quốc tế, có những đề xuất thiết thực để góp phần tổ chức thực hiện các chủ trương, định hướng về tư pháp, pháp luật trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; về xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ hoặc cấp cơ sở do Đoàn Thanh niên Bộ, các Chi đoàn trực thuộc làm chủ nhiệm đề tài đã được các Hội đồng nghiệm thu đề tài đánh giá mang giá trị lý luận cao và thực tiễn phong phú, là cơ sở cung cấp nhiều luận cứ lý thuyết và luận cứ thực tiễn để Hội đồng khoa học của Bộ tham khảo, phục vụ hiệu quả cho quá trình xây dựng và phát triển nền tảng nghiên cứu chiến lược về khoa học pháp lý thuộc thẩm quyền của Bộ Tư pháp.Đối với các phong trào tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, Đoàn Thanh niên các cấp đã tổ chức các hoạt động, chương trình tình nguyện vì cộng đồng với nhiều cách làm đa dạng, phong phú trong chính việc làm hàng ngày của mỗi người, những đoàn thanh niên tình nguyện lên đường “Hướng về cơ sở” đã được triển khai thường xuyên với mong muốn mang được nhiều hơn kiến thức pháp luật tuyên truyền đến với người dân tại các nơi có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, biên giới, hải đảo, theo số liệu thống kê từ năm 2010 đến nay đã có gần 100 đoàn tình nguyện của Đoàn Thanh niên Bộ, các Chi đoàn, Đoàn cơ sở về với người dân tại các bản, làng, nhà văn hóa tại vùng sâu, vùng xa trong đó tập trung vào các nhiệm vụ chuyên môn của Bộ như: Hộ tịch, hôn nhân và gia đình, hình sự, dân sự, tiếp cận thông tin….
Bằng những tình huống cụ thể giúp bà con nhân dân dễ hiểu, dễ tiếp cận, dễ thực hiện. Cùng với đó Đoàn Thanh niên Bộ, các Chi đoàn, Đoàn cơ sở đã trao tặng 15 căn nhà tình nghĩa, 03 sân chơi thiếu nhi, 70 tủ sách và sách pháp luật, 04 cây cầu dân sinh….. tại các địa điểm nơi đoàn đến thăm. Nhiều công trình, phần việc thanh niên thực hiện đã thực sự mang lại hiệu quả, thể hiện vai trò tình nguyện, xung kích của đoàn viên, thanh niên. Tiêu biểu là các hoạt động như: “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tháng Thanh niên”, “Xuân Tình nguyện” được đoàn viên, thanh niên các đơn vị tích cực tham gia hưởng ứng như: “Hành trình tri ân - hành trình tình nguyện”, “Theo bước chân những người anh hùng”, “Xuân Biên giới - Tết Hải đảo”, dâng hương, dọn vệ sinh tại các nghĩa trang liệt sỹ, đường phố tại nơi trú đóng; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng, gia đình thương binh, gia đình liệt sỹ trên khắp cả nước; tham gia hiến máu tình nguyện; ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt, quần áo, đồ dùng học tập dành cho các bạn học sinh các Trường Tiểu học...
Đây là những hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân của tuổi trẻ đối với thế hệ cha anh đi trước, đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi đoàn viên, thanh niên trong việc giữ gìn và phát huy truyền thống của dân tộc.Những hoạt động thiết thực trên của Đoàn Thanh niên Bộ Tư pháp, các Chi đoàn, Đoàn cơ sở đã góp phần giáo dục đạo đức lý tưởng cho thanh niên, là cơ hội để đoàn viên, thanh niên ý thức tốt hơn về vai trò của mình với cộng đồng, được giao lưu, học hỏi, trao đổi kỹ năng sống, nuôi dưỡng hoài bão qua các trải nghiệm thực tiễn. Bên cạnh đó, từng bước hình thành trong các đoàn viên tư tưởng biết sống và làm việc vì sự phát triển của cộng đồng, của đất nước; đồng thời góp phần đẩy lùi những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức, thái độ, hành vi của một số thanh niên chưa tích cực.
Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng góp phần xây dựng nên đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, cầu thị với mục tiêu lý tưởng, ý thức cách mạng, trong đó mỗi đoàn viên là một chiến sĩ tình nguyện. Những phong trào tình nguyện sẽ tiếp tục là cơ hội để đoàn viên chia sẻ, cống hiến và khẳng định bản thân mình.
Trong thời đại ngày nay, việc thực hiện tốt phong trào “Ba trách nhiệm” để góp phần xây dựng đất nước trên con đường hiện đại, văn minh với bản lĩnh “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên” là việc mà mỗi thanh niên Việt Nam cần xác định đây là trách nhiệm của bản thân với đất nước, với đồng bào và cộng đồng xã hội. Màu áo xanh thanh niên đã thực sự trở thành hình ảnh thân quen trong mỗi người dân Việt Nam.
Dường như ở nơi đâu có khó khăn, vất vả, nơi gian nan, thiên tai, bão lũ, vùng sâu, vùng xa còn nhiều thiếu thốn đều có bàn tay, dấu chân của thanh niên tình nguyện tiếp sức, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, thử thách. Thanh niên tình nguyện thực sự đã trở thành một hình ảnh đẹp về thế hệ thanh niên thời đại mới, sống trách nhiệm với bản thân, công việc, biết chia sẻ, yêu thương, luôn hướng tới cộng đồng. Ngoài ra, trong tâm thế, mỗi đoàn viên, thanh niên luôn xác định cho mình một lý tưởng, mục tiêu phấn đấu, cống hiến vì công việc, tinh thần tự chủ, nhạy bén, xung kích - sáng tạo - tình nguyện, rèn luyện ý chí, nghị lực, sự quyết tâm, tự đặt ra cho mình những thử thách để sẵn sàng đương đầu và khẳng định bản thân trong dòng chảy chung của xã hội. Trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ thông qua tự học, nghiên cứu, làm việc thực tiễn và học hỏi những đồng nghiệp đi trước để bồi đắp thêm nền tảng tri thức của mình. Đoàn viên, thanh niên cần gắn bó chặt chẽ với cơ quan, đơn vị, yêu thương, sẵn sàng giúp đỡ, sẻ chia với đồng nghiệp dựa trên nguyên tắc chân thành, trách nhiệm, mang tính xây dựng, nghĩa tình sâu sắc.
Xin được mượn những vần thơ của tác giả Lệ Đắng trong bài thơ “Hè tình nguyện” để nói lên tâm tư, nỗi lòng và khát khao của tuổi trẻ Bộ Tư pháp nói riêng và tuổi trẻ cả nước nói chung:
“Cùng bước chân trên những nẻo đường qua
Nơi Tổ quốc cần thanh niên tình nguyện
Tuổi xuân xanh làm mọi người quyến luyến
Ta bên nhau đi tới khắp mọi miền
Những bước chân vượt qua hết muộn phiền
Mang mơ ước của một chân trời mới
Một tương lai…hè ơi còn đang đợi
Màu tình nguyện màu áo tuổi thanh niên”