e magazine
Những đứa trẻ làm con nuôi của Đồn biên phòng Lũng Cú

01/01/2023 09:53

Mỗi đứa trẻ mà tôi muốn nhắc đến đều có những số phận khác nhau, họ là những lắt cắt riêng về cuộc sống éo le nơi địa đầu tổ quốc.

3

Đóng quân trên địa bàn xã Ma Lé (huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang), Đồn Biên phòng Lũng Cú được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 26,343 km đường biên giới, tiếp giáp với trấn Đổng Cán, huyện MaLyPho và trấn Mộng Ương, huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.

Những năm qua mỗi cán bộ, chiến sĩ ở đây đều không quản ngại gian khó bám bản, bám biên giới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

2

Song, có một việc làm mang ý nghĩa nhân văn khác mà ít người biết đến là chuyện họ nhận những người con nuôi. Những đứa trẻ được cưu mang là những phận người nhỏ bé khác nhau, họ kém may mắn trong cuộc sống gia đình và rồi được những những người lính mang quân hàm xanh đưa về đây coi như những… “con cưng”.

Trong số những đứa trẻ kém may mắn ấy 3 chị em: Thò Thị Dí (SN 2005), Thò Mí Và (SN 2008) và Thò Thị Súa (SN 2011) là những số phận buồn. Hôm ngồi trò chuyện với các em nhỏ, em Dí – chị cả của 2 đứa trẻ mồ côi vừa nói về cuộc đời hẩm hiu của mình vừa rưng rưng nước mắt.

Theo Dí, gia đình em vốn sống hạnh phúc ở thôn Má Lủng Kha, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn. Năm 2013, bố em Dí là ông Thò Pà Mua mất vì bạo bệnh, các em sống lay lắt cùng mẹ, cái ăn trông vào đám nương ngô.

Cứ thế đến một hôm, bà Và Thị Mỷ (mẹ Dí-PV) bảo con cả ở nhà trông em, chăm bò để bà lên nương xem ngô, nhưng rồi không thấy bóng bà Mỷ nữa. Phải đến khoảng hơn 1 tháng, người mẹ mới trở về cùng một người đàn ông lạ, bà Mỷ dắt con bò bán nốt rồi từ đó mất tăm không còn liên lạc với 3 đứa con.

Nhỏ tuổi, ở với ông bà cũng đã quá tuổi lao động, em Dí lại phải cáng đáng gia đình bởi và lo cho các em. Nhưng cuộc sống như được thắp lên ngọn lửa hy vọng Dí và các em được người chú ruột là ông Thò Mí Lử nhận nuôi. Song hẩm hiu thay, chỉ một năm sau người chú lại mất vì bệnh tật.

Không nơi nương tựa, từ đó Dí và 2 em được các chiến sĩ ở Đồn biên phòng Lũng Cú (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) nhận nuôi. Kể từ lúc này, các em có những người bố mới chăm lo cho từng giấc ngủ, sinh hoạt, học tập.

4

Theo em Dí, hiện em và người em thứ hai học tại Trường PTDT nội trú huyện Đồng Văn. Như thường lệ, cứ cuối tuần các bố ở Đồn biên phòng lại xuống đón hai chị em về Đồn, còn đầu tuần thì được các bố đưa xuống trường học. Thiếu quần áo, đồ dùng sinh hoạt các bố đều lo cả.

Em Dí cho biết: “Giờ chúng em coi các bố như những người cha, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho chúng em và Đồn biên phòng cũng chính là ngôi nhà của chúng em. Tết năm nào 3 chị em cũng cùng các bố ở Đồn đón tết, ước mơ của em sau này là được làm đầu bếp”.

6

Trung úy Vũ Xuân Hùng, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn biên phòng Lũng Cú cho cho biết, đơn vị đã duy trì mô hình con nuôi của Đồn từ năm 2016 đến nay. Hiện có 3 cháu sống cùng anh em ở đây, nhưng thời gian tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều con nuôi hơn nữa vì vừa qua Đồn vừa ký thêm dự án “cán bộ, chiến sĩ quân đội nâng bước em tới trường”.

Theo anh Hùng, kinh phí để thực hiện công việc nhân văn trên được trích từ lương tháng của anh em chiến sĩ ở Đồn, mỗi người hàng tháng sẽ bỏ ra 500 nghìn đồng để làm quỹ. Ngoài ra, thực phẩm thì từ tăng gia sản xuất mà có.

“chúng tôi luôn coi các cháu như con ruột của mình vậy, cháu nhỏ thì sáng đưa đi học, chiều đón về. Đêm về anh em lại thay nhau dạy các cháu học chữ, làm bài tập, rèn rũa đạo đức cho các cháu”, anh Hùng chia sẻ.

Anh Hùng nói với tôi, có những cậu bé là con nuôi ngày nào của Đồn hiện có thành tích học tập khá tốt. Điển hình như trường hợp của em Dìu Dỉ Khanh (SN 2003), em Khanh hiện đang là sinh viên của Trường đại học bách khoa Hà Nội.

5

Trước đây, gia đình Khanh có hoàn cảnh khó khăn nên được Đồn nhận nuôi, hiện kinh tế gia đình đã được cải thiện, nhưng em Khanh luôn nhớ về các bố. Năm nào cũng vậy, Khanh đều ra Đồn cùng những người cha nuôi của mình đón giao thừa và tâm sự về cuộc sống học tập xa nhà và dự định tương lai.

Thực hiện tốt mô hình mang nhiều ý nghĩa thiết thực trên, Đồn biên phòng Lũng Cú đã và đang trở thành đơn vị được nhiều người dân, đặc biệt là đồng bào khốn khó nơi biên cương tin yêu. Và, cũng nơi này chắc chắn sẽ là địa chỉ ươm mầm tương lai tốt đẹp cho những đứa trẻ kém may mắn.

Phàn Giào Họ