Để bảo đảm tính nghiêm ngặt trong cấp và sử dụng sổ đỏ, cơ quan chức năng có thẩm quyền đề xuất sẽ in mã QR.
Theo nội dung tại Dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, cơ quan soạn thảo đề xuất tên gọi mới cho sổ đỏ, đồng thời sẽ quản lý loại giấy tờ này bằng mã QR.
Dự thảo Thông tư này nêu, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được đổi thành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Đặc biệt, trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm 2 trang sẽ được in mã QR (thay vì chỉ có mã vạch và 4 trang như hiện tại).
|
Sổ đỏ sẽ được in mã QR để tránh tiêu cực. (Hình minh họa) |
Việc in mã QR trong sổ đỏ là một bước cải tiến mới nhằm nâng cao tính bảo mật cũng như an toàn thông tin trước tình trạng loại giấy tờ này đang bị làm giả tràn lan. Bên cạnh đó, mã QR Code cho phép quét và đọc mã nhanh hơn bằng các thiết bị khác nhau như máy đọc mã vạch hoặc điện thoại có camera...
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức. Đối với Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai: Xây dựng quy định về yếu tố chống giả (đặc điểm bảo an) trên phôi GCN; Tổ chức việc in ấn, phát hành phôi GCN cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai và Văn phòng đăng ký đất đai ở các địa phương sử dụng.
Sở TN&MT lập kế hoạch sử dụng phôi GCN của địa phương gửi về Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai trước ngày 31/10 hàng năm; Kiểm tra, hướng dẫn việc quản lý, sử dụng phôi GCN ở địa phương; Tổ chức tiêu hủy phôi GCN, GCN đã in hoặc viết bị hư hỏng theo quy định của pháp luật về lưu trữ.
Văn phòng đăng ký đất đai, Phòng TN&MT: Tiếp nhận, quản lý, lập sổ theo dõi nhận, cấp phát và sử dụng phôi GCN; Dự thảo cũng đề xuất quy định về hồ sơ thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất gồm:
Các giấy tờ do người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp khi đăng ký lần đầu và đăng ký biến động; Các giấy tờ do các cơ quan có thẩm quyền lập trong quá trình thực hiện các công việc của thủ tục: Kiểm tra hồ sơ; công khai hồ sơ và thẩm tra, xác minh theo ý kiến phản ánh đối với nội dung công khai (đối với trường hợp đăng ký lần đầu); xác định và thu nghĩa vụ tài chính liên quan đến đăng ký lần đầu và đăng ký biến động theo quy định.
Những giấy tờ này tập hợp thành hồ sơ thủ tục đăng ký cho từng thửa đất, từng căn hộ chung cư. Trường hợp đăng ký lần đầu mà người sử dụng đất đề nghị cấp chung một Giấy chứng nhận cho nhiều thửa đất theo quy định thì lập một hồ sơ thủ tục đăng ký chung cho các thửa đất đó.
Trường hợp đăng ký chung cho nhiều thửa đất mà không cấp Giấy chứng nhận thì lập một hồ sơ thủ tục đăng ký chung cho các thửa đất đó. Trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký biến động mà chia tách thửa để tạo thành nhiều thửa đất mới thì lập riêng hồ sơ thủ tục đăng ký cho từng thửa đất mới tách.
Trường hợp đăng ký hợp thửa đất thì lập hồ sơ thủ tục đăng ký cho thửa đất mới hợp trên cơ sở hợp nhất các hồ sơ thủ tục đăng ký của các thửa đất trước khi hợp thửa.