Không ít bà mẹ trẻ đã ra tay tàn độc, sát hại chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra chỉ vì mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh thực chất không phải là chứng bệnh hiếm gặp.
Theo một thống kê công bố gần đây, tỷ lệ phụ nữ bị trầm cảm chiếm khoảng 15% trong 3 tháng đầu và 15 - 25% trong 12 tháng sau sinh.
Tuy nhiên, các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý. Chỉ đến khi nhiều hậu quả đau lòng xảy ra, người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của bệnh.
Về cơ bản, trầm cảm sau sinh là tình trạng rối loạn cảm xúc tiêu cực, liên quan đến những suy nghĩ, cảm giác mệt mỏi, buồn chán và lo lắng xuất hiện sau sinh. Dạng trầm cảm này có thể nhẹ, vừa hoặc nặng, có thể thoáng qua hoặc kéo dài, thậm chí có thể không tự hết nếu không có biện pháp can thiệp.
|
Nhà thiết kế trang sức nổi tiếng Anh Felicia Boots bên chồng năm 2014, sau 2 năm ở viện tâm thần điều trị vì ra tay sát hại 2 con nhỏ lúc trầm cảm sau sinh. |
Ám ảnh
Theo các chuyên gia, sau sinh, cơ thể người phụ nữ có sự thay đổi đột ngột về nội tiết (estrogen, progestrogen và hoóc môn tuyến giáp suy giảm) dễ dẫn đến cảm giác mệt mỏi, trầm cảm. Bên cạnh đó, thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa lúc này cũng biến đổi, dẫn đến những bất ổn về cảm xúc.
Ngoài ra, nhiều người còn gặp khó khăn trong việc chăm sóc em bé dẫn đến mất hết hứng thú trong cuộc sống. Tình trạng càng trở lên trầm trọng nếu thời điểm ấy gia đình lại có mâu thuẫn hay có khó khăn về tài chính.
Đặc biệt, nếu trong gia đình có người từng bị trầm cảm thì sau khi sinh, phụ nữ cũng có nguy cơ bị trầm cảm nhiều hơn.
Triệu chứng thường gặp nhất của trầm cảm sau sinh là người phụ nữ bị suy nhược cơ thể. Kèm theo đó, nhiều người sẽ thường xuyên cảm thấy lo lắng, hốt hoảng, mất tập trung, mệt mỏi, buồn chán, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể. Căng thẳng thường xuyên khiến họ dễ rơi vào tình trạng mất ngủ trường kỳ, mất đi ham muốn "chuyện ấy" và thường né tránh quan hệ tình dục với chồng.
|
Debra Lynn Gindorf, 20 tuổi chụp ảnh cùng 2 con trước khi ra tay sát hại chúng. |
Nguy hiểm hơn, người bị trầm cảm sau sinh có thể bị ám ảnh, hoang tưởng. Một số người mắc bệnh luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Trong khi đó, một số người khác lại nghĩ rằng mình là mối nguy hại của gia đình, đặc biệt là đứa trẻ và có cảm giác tội lỗi.
Các ám ảnh tiêu cực này dẫn đến việc các bà mẹ có nhiều hành động dại dột như tự tử hay thậm chí ra tay sát hại cả chính đứa con dứt ruột đẻ ra.
Căn bệnh "giết người thầm lặng"
Năm 1985, nước Mỹ từng rúng động khi Debra Lynn Gindorf, 20 tuổi bị bắt và kết án chung thân vì tội hạ độc giết chết hai đứa con nhỏ dại của mình - Christina, 23 tháng tuổi và Jason, mới 3 tháng tuổi.
Theo cơ quan điều tra, Gindorf bắt đầu có dấu hiệu trầm cảm nhẹ khi mang bầu đứa con thứ hai. Ly hôn chồng khi con trai còn đỏ hỏn khiến cô ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng và luôn muốn tự tử.
Vào ngày 29/3/1985, Gindorf quyết định sẽ kết liễu cuộc đời đầy đau khổ của mình bằng thuốc ngủ. Song, lo sợ 2 đứa con thiếu vắng mẹ sẽ không có người chăm sóc, Gindorf quyết định mang theo Christina và Jason rời dương thế.
Tối hôm đó, sau khi pha trộn quá liều nhiều loại thuốc ngủ khác nhau, cô ta đã cho cả 2 con cùng uống thuốc độc. Sáng hôm sau, Gindorf tỉnh dậy thấy mình không chết, nhưng cả Christina và Jason đều đã tắt thở.
Vào năm 2011, sự việc thương tâm lặp lại khi bà mẹ trẻ Janet Thies-Keogh, 30 tuổi cố tình dùng gối làm chết ngạt đứa con trai mới 8 tháng tuổi của mình trong khi chồng ra ngoài chơi tennis cùng bạn bè. Cơ quan điều tra xác định, Thies-Keogh phạm tội trong tình trạng bị trầm cảm sau sinh.
Gần đây nhất, vào năm 2012, nhà thiết kế trang sức nổi tiếng Anh Felicia Boots, 34 tuổi đã bị cảnh sát bắt giữ vì ra tay giết hại cả 2 đứa con đẻ Lily, 14 tháng tuổi và Mason, mới 3 tuần tuổi...
Tất cả các vụ việc trên đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng trầm cảm sau sinh - căn bệnh "giết người thầm lặng" đối với những bà mẹ trẻ chẳng may mắc phải.
Cách phòng chống trầm cảm sau sinh
Tiến sĩ Sarah Allen, chuyên gia tâm lý trị liệu đứng đầu Hiệp hội trầm cảm sau sinh Illinois (Mỹ) cảnh báo, bệnh nhân trầm cảm sau sinh ở dạng nặng cần được chữa trị kịp thời bằng thuốc đặc trị kết hợp vật lý trị liệu.
"Chìa khóa chống bệnh trầm cảm sau sinh thành công là phải biết khi nào người phụ nữ cần được giúp đỡ", bà Allen nhấn mạnh.
Các chuyên gia khuyến nghị, để phòng chống trầm cảm sau sinh, ngay từ khi mang thai, cả vợ và chồng cần học cách chăm sóc trẻ sơ sinh. Ngoài ra, người phụ nữ cũng cần học cách thư giãn và nghỉ ngơi, tránh căng thẳng, mệt mỏi trước và sau sinh. Khi thấy quá sức, họ cần chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ của người thân, tránh tình trạng kiệt sức vì gồng mình.
Về phía gia đình, không chỉ chồng mà những người thân xung quanh cần động viên, gần gũi và chia sẻ với người phụ nữ về quá trình sinh nở cũng như chăm sóc em bé.
Những người thân cũng cần tạo điều kiện để các bà mẹ có thể tham gia lao động, làm những việc vừa sức để tinh thần được thư thái. Phụ nữ cũng cần cho con bú mẹ sau sinh vì việc đó sẽ làm tăng sợi dây liên kết giữa mẹ và con, khiến người mẹ cảm thấy yêu con, yêu cuộc sống hơn.
Khi phát hiện người mẹ sau sinh có dấu hiệu bất thường về tâm lý, gia đình cần cân nhắc việc đưa họ tới khám bác sĩ chuyên khoa. Việc điều trị càng sớm sẽ càng đạt được hiệu quả cao.