e magazine
Tính đến ngày 31/1 có bao nhiêu người nhiễm virus corona trên toàn thế giới?

01/02/2020 08:20

Tính đến 21h00, ngày 31/01/2020 thế giới đã có 10.000 người nhiễm virus corona.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 21h00, ngày 31/01/2020, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) trên thế giới cụ thể như sau:

– Tổng số trường hợp mắc: 9.958, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 9.810

– Tổng số trường hợp tử vong: 213, trong đó tại lục địa Trung Quốc: 213

– Tổng số trường hợp mắc bên ngoài lục địa Trung Quốc: 148.

1580396329-586-da-co-ket-qua-xet-nghiem-virus-corona-cua-be-10-tuoi-dang-dieu-tri-tai-bv-nhi-tu-virus-1580396287-width888height592

Một bệnh nhân nhiễm virus corona ở Trung Qốc. Ảnh Internet.

24 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài lục địa Trung Quốc) ghi nhận trường hợp mắc như sau:

1. Thái Lan: 19 trường hợp

2. Singapore: 16 trường hợp

3. Nhật Bản: 15 trường hợp

4. Hồng Kông, Trung Quốc: 12 trường hợp

5. Hàn Quốc: 11 trường hợp

6. Úc: 9 trường hợp

7. Đài Loan, Trung Quốc: 9 trường hợp

8. Malaysia: 8 trường hợp

9. Ma Cao, Trung Quốc: 7 trường hợp

10. Pháp 6: trường hợp

11. Mỹ: 6 trường hợp

12. Đức: 6 trường hợp

13. Việt Nam: 5 trường hợp

14. Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất: 4 trường hợp

15. Canada: 3 trường hợp

16. Ý: 2 trường hợp

17. Anh: 2 trường hợp

18. Nga: 2 trường hợp

19. Campuchia: 1 trường hợp

20. Phần Lan: 1 trường hợp

21. Ấn Độ: 1 trường hợp

22. Sri Lanka: 1 trường hợp

23. Nepal: 1 trường hợp

24. Philippine: 1 trường hợp

Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (2019nCoV) gây ra.

Tại cuộc họp kín của Ủy ban khẩn cấp Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) vào rạng sáng 31/1 (theo giờ Việt Nam), Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) vì dịch viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona (2019nCoV) gây ra.

Trong thông báo được đưa ra trong cuộc họp báo tại Geneva, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Lý do chính của quyết định này không chỉ là do những gì đang diễn ra tại Trung Quốc mà còn do tình hình dịch bệnh tại những quốc gia khác."

Tổng giám đốc Tedros nhấn mạnh rằng quyết định tuyên bố Tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế cộng đồng (PHEIC) đối với virus corona mới, chủ yếu là để bảo vệ các quốc gia khác ngoài biên giới Trung Quốc.

Theo các quy định của WHO, Tình trạng khẩn cấp toàn cầu về y tế cộng đồng (PHEIC) được tuyên bố khi có tình huống "bất thường", "có rủi ro sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác từ sự lây lan của dịch bệnh", "đòi hỏi một phản ứng đồng bộ của quốc tế" trong việc ngăn ngừa dịch bệnh.

Việc chỉ định PHEIC sẽ cho phép WHO, kêu gọi các nước không đóng cửa biên giới hoặc hạn chế thương mại. Lý do vì cắt đứt du lịch và thương mại với một quốc gia đang đối phó với dịch bệnh được cho là không có khả năng ngăn chặn dịch bệnh.

PHEIC lần đầu tiên được ban bố tháng 4/2009 khi xảy ra dịch cúm lợn (H1N1), sau đó được ban bố tháng 5/2014 do bệnh bại liệt, lần thứ ba trong dịch virus Ebola ở Tây Phi và lần thứ tư là khi bùng phạt dịch virus Zika ở châu Mỹ.

Trong 2 phiên họp vào tuần trước đó, WHO từng từ chối tuyên bố dịch bệnh mới do virus corona gây ra là một PHEIC, với lý do họ tin tưởng Trung Quốc có thể kiểm soát tốt dịch bệnh bên trong đường biên giới của mình.

Nhưng trước diễn biến phức tạp và tốc độ lây lan nhanh của dịch bệnh này, nhiều chuyên gia trên thế giới đã kêu gọi WHO xem xét tình trạng hiện tại và đưa ra cảnh báo đại dịch toàn cầu.

Ở Việt Nam, mới đây Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Tư pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý, sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp tại Việt Nam khi Tổ chức Y tế thế giới công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, liên quan đến dịch bệnh viêm phổi do virus Corona.

N. Trường