Ngày 16/7, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TP khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND TPHCM tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với đồng chí Lâm Đình Thắng, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM.
Tại buổi chất vấn này, đại biểu nêu thực trạng hiện nay, các mạng xã hội tràn lan các nội dung tuyên truyền thật giả lẫn lộn, không chỉ chống phá Đảng, Nhà nước mà còn tạo ra các hiệu ứng đám đông ở ngoài đời thật.
Đại biểu này đặt câu hỏi Sở quản lý thông tin trên mạng xã hội (MXH) như thế nào và giải pháp để người dân có thể nhận biết đâu là thông tin chính thống.
TP HCM sẽ thành lập Trung tâm Xử lý tin giả. (Hình minh họa) |
Ngoài ra, đại biểu cũng chất vấn về công tác quản lý của sở đối với các hình thức quảng cáo trên các MXH, nhất là việc sử dụng người nổi tiếng, diễn viên, nghệ sĩ đối để quảng cáo các sản phẩm.
Trả lời đại biểu, ông Lâm Đình Thắng cho biết, trong thời gian qua, Sở TT&TT đã phối hợp với Bộ TT&TT xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Sở cũng đã phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố để giám định tư pháp những trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự.
Ngoài ra, tuyên truyền 2 bộ quy tắc và cẩm nang quan trọng, đó là Quy tắc ứng xử trên không gian mạng và Cẩm nang nhận diện phòng chống tin giả.
Đầu tư hệ thống lắng nghe MXH chung cho toàn bộ Thành phố. Hệ thống này không chỉ rà soát thông tin để tổng hợp dư luận mà còn phát hiện được các trang thông tin điện tử tổng hợp thay đổi thông tin, thay đổi nguồn gốc.
Giám đốc Sở TT&TT nhấn mạnh, thời gian tới, Sở sẽ kiến nghị Bộ đẩy mạnh quá trình thay đổi thế chế, điều chỉnh Nghị định 72 của Chính phủ liên quan đến quản lý thông tin trên mạng. Sắp tới, Bộ TT&TT cũng có kế hoạch sửa đổi nghị định này theo hướng tất cả tài khoản trên mạng xã hội đều phải định danh và chỉ có tài khoản định danh mới được thừa nhận.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội xuyên biên giới bắt buộc phải chấp hành các yêu cầu của cơ quan chức năng trong vòng 24 giờ.
TP HCM cũng đang nghiên cứu thành lập bộ phận xử lý tin giả, dự kiến đặt tại Trung tâm Báo chí TPHCM, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam.
Kèm với việc hình thành trung tâm này thì sẽ có quy chế hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn để xử lý tin giả.
Ông Thắng cho biết quy chế này sẽ xác định được 3 bộ phận quan trọng: Bộ phận tiếp nhận thông tin; bộ phận xác định thông tin đó là thông tin giả; bộ phận công bố tin giả, tin sai lệch.
Ba bộ phận này có quy trình làm việc nhuần nhuyễn với nhau, ghi nhận, xác định và công bố trong thời gian nhất định, cùng với hệ thống công nghệ hỗ trợ để giảm thiểu tin giả, tin sai lệch.
Đối với vấn đề quản lý quảng cáo trên mạng, ông Thắng cho biết, vẫn có những đơn vị chưa chấp hành đầy đủ quy định về pháp luật, thậm chí có những đơn vị bất chấp vi phạm pháp luật vì doanh thu và lợi nhuận. Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đấu tranh nhiều; hành vi tuy giảm bớt nhưng còn nhiều phức tạp, khó khăn.
Nguyên nhân của việc hạn chế này, theo Giám đốc Sở TT&TT, là do thẩm quyền làm việc với các nền tảng MXH xuyên biên giới là của Bộ TT&TT, địa phương chưa chủ động hoàn toàn để giải quyết.
Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo hiện nay chưa có những quy định chi tiết về việc quản lý cấp phép quảng cáo trên mạng internet cũng như trên MXH.
Bộ TT&TT đã nhận thấy vấn đề này và đang dự thảo để sửa Luật Quảng cáo để có quy định pháp luật đầy đủ, xử lý việc này triệt để, nghiêm minh hơn.
Thời gan tới, Sở sẽ tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Bộ TT&TT phát triển Danh sách trắng (Whitelist) gồm các trang, kênh, MXH được công nhận, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật và có giá trị tích cực. Hiện Bộ TT&TT đang công bố danh sách này và ngày càng mở rộng, công bố rộng rãi để các đơn vị có nhu cầu quảng cáo tin tưởng và đặt quảng cáo.