Các Luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử dừng phiên toà, làm rõ dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, làm sai lệch hồ sơ vụ án nêu trên để đảm bảo việc xét xử diễn ra công tâm, khách quan, toàn diện trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng” ở Nhà máy gạch Long Thành Bỉm Sơn.
Ngày 2/7, TAND thị xã Bỉm Sơn mở phiên toà xét xử các bị cáo Nguyễn Huy Hùng (SN 1973), Đặng Thị Hồng Lý (SN 1975) cùng có địa chỉ thường trú (tại TDP số 4 Phú Mỹ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Thành phố Hà Nội), bị cáo Trịnh Văn Khánh (SN 1966, ở khu phố 6, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá), Tống Duy Tân (SN 1984, Khu phố 4, phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá), Tống Dũng Nhật (Sn 1970, Khu phố Sơn Nam, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá), Hoàng Văn Vượn (SN 1958, khu phố 4, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá), Vũ Bá Triển (SN 1988, thôn Mỹ Xuyên, huyện Vĩnh Yên, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá), Trịnh Văn Táo (SN 1960, thôn Bắc Sơn, xã Hà Bắc, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá), Lê Văn Duật (SN 1975, thôn 8, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá), Khương Phú Hưng (SN 2002, khu 5, thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành, Thanh Hoá).
|
Toàn cảnh phiên toà xét xử. |
Đây là vụ án được người dân hết sức quan tâm. Bởi trong vụ án có nhiều bị cáo kêu oan. Đồng thời, có nhiều đơn kiến nghị gửi cơ quan ban ngành tại Thị xã Bỉm Sơn, tại Tỉnh Thanh Hoá nói riêng và các cấp Trung ương nói chung.
Theo nội dung cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Thị xã Bỉm Sơn truy tố, ghi nhận sự việc: "...Có 01 đoàn đưa tang đi đến gần khu vực giao nhau với cổng Công ty Long Thành thì phải dừng lại vì tắc đường do vụ việc nêu trên.
Đợi khoảng 30 phút nhưng không đi được nên đoàn đưa tang phải quay đầu tìm đường khác vì chậm giờ hạ huyệt và Kết luận trong khoảng thời gian từ 7h30 đến 15h ngày 23/11/2023, tại khu vực đường giao thông công cộng phía trước công ty Long Thành (thuộc khu phố Trường Sơn, phường Đông Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá), các bị can Đặng Thị Hồng Lý, Tống Duy Tân, Trịnh Văn Khánh, Tống Dũng Nhật, Hoàng Văn Vươn, Nguyễn Huy Hùng, Trịnh Văn Táo, Vũ Bá Triển, Lê Văn Duật và Khương Phú Hưng có hành vi gây rối trật tự công cộng, tập trung đông người, xô đẩy, ngăn chặn, không cho người và phương tiên ra vào công ty Long Thành.
Đây là đường giao thông công cộng, là công trình duy nhất ra vào công ty, đồng thời là đường đi lại của một số hộ dân sinh sống trong khu vực và nối liền với tuyến đường giao thông Lê Thế Sơn.
Hành vi của các bị can đã gây cản trở giao thông nghiêm trọng trong nhiều giờ, phá vỡ tình trạng ổn định gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thị xã, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty Long Thành và ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn thị xã, hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội nên cần phải được xử lý nghiêm minh.
Đây là vụ án đồng phạm giản đơn vì giữa các bị can không có sự bàn bạc, cấu kết chặt chẽ, không có sự thống nhất, lên kế hoạch và phân công nhiệm vụ".
Khi đại diện VKS nhân dân thị xã Bỉm Sơn công bố bản cáo trạng, các bị cáo Lý, Hùng, Khánh, Tân, Nhật đều không đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố.
Theo bị cáo Hùng, cáo trạng xác định Lý và Duyến mâu thuẫn tranh chấp cổ đông dẫn đến nhà máy gạch dừng hoạt động. Tuy nhiên, theo bị cáo Hùng nhà máy gạch dừng hoạt động là do Duyến bị truy tố trách nhiệm hình sự.
Các bị cáo còn lại cho rằng, bản thân không phạm tội như nội dung cáo trạng truy tố, mong HĐXX trong phiên toà đánh giá toàn bộ sự việc một cách vô tư khách quan và đúng với quy định của pháp luật.
|
Vụ “Gây rối trật tự công cộng” ở Nhà máy gạch Long Thành Bỉm Sơn, có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án |
Ngay khi phiên toà bắt đầu vào phần hỏi, Luật sư Phạm Quang Hưng (là Luật sư bào chữa cho bị cáo Tống Duy Tân) đã công bố một chứng cứ hết sức quan trọng và cho rằng có dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ vụ án của cơ quan CSĐT công an thị xã Bỉm Sơn và Viện kiểm sát nhân dân Thị xã Bỉm Sơn.
Bởi theo Luật sư Phạm Quang Hưng cho biết, Cáo trạng nêu rất rõ "vào sáng ngày 23/11/2023, vì có sự việc ở nhà máy Long Thành, nên đám ma của ông Phan Văn X bị cản trở không đi được và phải đi đường vòng cho khỏi chậm giờ hạ huyệt", Cáo trạng đã buộc tội các bị cáo phạm tội “Gây rối trật tự công cộng” và hành vi cản trở giao thông khiến đám đưa tang không di chuyển được là yếu tố khiến các bị cáo vướng vòng lao lý.
Tuy nhiên, Luật sư cho biết ông Phan Văn X mất vào khoảng hơn 01h sáng ngày 23/11/2023, Luật sư cũng cung cấp dẫn chứng Cáo phó cho thấy ông Phan Văn X được đưa đi chôn vào ngày 24/11/2023 chứ không phải ngày 23/11/2024.
Vì thế, Cáo trạng xác định sự việc ở nhà máy Long Thành gây cản trở giao thông do đám tang là không đúng, có dấu hiệu của việc làm sai lệch hồ sơ của cơ quan chức năng thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hoá).
Luật sư Hưng dẫn chứng chứng cứ cụ thể qua các hình ảnh được phóng to tại phiên toà, trong đó có Bản Cáo phó của gia đình ông Phan Văn X ghi rõ thời gian mất, truy điệu, đưa tang ông Phan Văn X, thể hiện thời gian đưa tang ông Phan Văn X là ngày 24/11/2023 chứ không phải ngày 23/11/2023 như Cáo trạng truy tố.
Cũng theo luật sư Hưng, “không thể vì sự việc của người Dương mà khiến một người đã chết phải bị chôn 2 lần, như thế là không đúng, chuyện tâm linh không thể đùa được”.
Rõ ràng không có đám ma nào diễn ra vào sáng ngày 23/11/2023 qua hiện trường vụ án, đây là một dấu hiệu rõ ràng của việc làm sai lệch hồ sơ vụ án của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát để buộc tội các bị cáo trong vụ án.
Cũng trong phiên toà, các bị cáo đều khẳng định không hề nhìn thấy đám ma nào đưa đưa đi qua trong sáng ngày diễn ra sự việc trên.
Trong phiên toà xét xử, người làm chứng là ông Đào Duy Toàn cho biết, không chứng kiến có đám ma đi qua chỗ nhà máy Long Thành, cũng không nhớ rõ ngày đưa ma của ông X là ngày 23 hay ngày 24/11.
Tuy nhiên, Luật sư Phạm Trung Kiên – Văn phòng Luật sư Kiên Long và cộng sự đã công bố lời khai của ông Đào Duy Toàn tại Công an Phường Đông Sơn, Thị xã Bỉm Sơn thể hiện nội dung “ngày 23/11/2023, tôi đã đi đưa tang ông X khi đi đến nhà máy gạch Long Thành đoàn đưa tang phải dừng lại và đi đường khác vì có việc công nhân nhà máy gây cản trở đến việc đưa tang, đoàn đưa tang có xe tang và khoảng 30 đến 40 xe máy”.
Luật sư Kiên cho rằng, lời khai của ông Toàn bất nhất, có mâu thuẫn trong lời khai. Trong phiên toà ngày hôm qua (2/7) cho đến phiên toà ngày 3/7 ông Toàn có nhiều lời khai không đồng nhất, không đúng sự thật. Nên không thể dựa vào lời khai của ông Toàn để buộc tội các bị cáo.
Đồng thời, cũng tại phiên toà, sau phần đặt câu hỏi đối với những người liên quan và người làm chứng, Luật sư Nguyễn Mạnh Thắng – Văn phòng Luật sư Chính Thắng chỉ dẫn thêm chứng cứ chứng minh có việc chèn thêm các tài liệu lời khai nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Cụ thể: tại thời điểm ngày 23 tháng 11 năm 2023, song song cùng một thời điểm vào khoảng thời gian từ lúc 16h40 đến 17h30 tồn tại 02 Biên bản ghi lời khai của một nhân viên bảo vệ và của ông Đào Duy Toàn đều do 01 cán bộ Công an Phường Đông Sơn thực hiện lấy lời khai.
Đây là điều hoàn toàn không đúng trên thực tế và có căn cứ rõ ràng về việc cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án cần phải được Cơ quan Điều tra của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối Cao kiểm tra, làm rõ.
Các Luật sư đã đề nghị Hội đồng xét xử dừng phiên toà, làm rõ dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp, làm sai lệch hồ sơ vụ án nêu trên để đảm bảo việc xét xử diễn ra công tâm, khách quan, toàn diện, đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa và hiện thực hoá công tác cải cách tư pháp của Việt Nam .
Báo pháp luật Việt Nam tiếp tục thông tin về diễn biến phiên toà trên.