Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên giữ nguyên hệ thống hình phạt với người chưa thành niên phạm tội và nêu rõ không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên.
Chiều 6/6, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình trình Quốc hội tờ trình Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Ông nhấn mạnh dự án luật này nhằm tăng cường giáo dục, hỗ trợ, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội tự sửa chữa lỗi lầm, cải thiện hành vi thông qua xử lý chuyển hướng, hạn chế việc áp dụng biện pháp mang tính chất trừng phạt, giam giữ nhưng vẫn bảo đảm sự an toàn của cộng đồng và trật tự xã hội.
Dự luật cũng xây dựng quy trình thủ tục tố tụng thân thiện, phù hợp với độ tuổi, tâm lý, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức và vì lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên.
Về chế định xử lý chuyển hướng thay thế hình phạt, Chánh án TAND Tối cao cho biết dự thảo luật quy định 12 biện pháp.
|
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh QH |
"Dự thảo luật đã mở rộng phạm vi áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trên cơ sở kế thừa quy định của Bộ luật Hình sự và quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm trật tự xã hội, an toàn cho cộng đồng", ông Bình nói.
Dự thảo luật giữ nguyên hệ thống hình phạt với người chưa thành niên phạm tội như Bộ luật Hình sự hiện hành, gồm: Cảnh cáo; Phạt tiền; Cải tạo không giam giữ; Tù có thời hạn.
"Không áp dụng hình phạt tù chung thân và tử hình đối với người chưa thành niên", tờ trình của Chánh án TAND Tối cao nêu rõ.
Song lần này, ông Bình cho biết dự thảo luật bổ sung điều luật về hình phạt cảnh cáo cho người chưa thành niên khi phạm tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng do vô ý và có tình tiết giảm nhẹ, nhưng chưa đến mức miễn hình phạt.
Thời gian thử thách khi được hưởng án treo được giảm xuống không quá 3 năm.
Dự thảo cũng mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền hoặc cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện. Mức tiền phạt không quá một phần ba mức tiền phạt mà điều luật quy định.
Ngoài ra, dự thảo quy định theo hướng giảm mức hình phạt cao nhất với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù; người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội từ 12 năm xuống 9 năm tù.
Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, việc giảm mức hình phạt cao nhất trên không áp dụng với trường hợp phạm 5 loại tội xâm phạm tính mạng sức khỏe và ma túy (Tội giết người; hiếp dâm; hiếp dâm người dưới 16 tuổi; cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; sản xuất trái phép chất ma túy).
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh Quốc Hội |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành việc bổ sung điều kiện áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội nếu cha mẹ, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản và tự nguyện thực hiện.
Ngoài ra, theo bà Nga, ngoài một số ý kiến tán thành, cũng có quan điểm cho rằng theo quy định của Bộ luật Hình sự, người từ đủ 16 tuổi trở lên và người từ đủ 18 tuổi trở lên đều phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật Hình sự có quy định khác.
Tuy nhiên, người từ đủ 18 tuổi trở lên không có thu nhập hoặc không có tài sản riêng vẫn có thể được áp dụng hình phạt tiền; còn người từ đủ 16 tuổi trở lên chỉ được áp dụng hình phạt tiền nếu có thu nhập hoặc có tài sản riêng…
Đây là quy định chưa công bằng trong chính sách xử lý và là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực tế nhiều địa phương không có, hoặc rất hiếm trường hợp người chưa thành niên được áp dụng hình phạt tiền.
Từ đó, ý kiến này đề nghị sửa đổi điều kiện áp dụng hình phạt tiền với người chưa thành niên phạm tội là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi tương tự với người đã trưởng thành quy định tại Điều 35 của Bộ luật Hình sự.
Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên gồm 5 phần, 11 chương, được trình Quốc hội lần đầu tại kỳ họp thứ 7.