Chủ nhật 28/04/2024 02:49

Email: [email protected]

Hotline: 0903211537

Hà Nội 29 °C
TP Hồ Chí Minh 30 °C
Hải Phòng 29 °C
Đà Nẵng 28 °C
Yên Bái 27 °C
  • Hà Nội Hà Nội 29°C
  • TP Hồ Chí Minh Hà Nội 30°C
  • Hải Phòng Hà Nội 29°C
  • Đà Nẵng Hà Nội 28°C
  • Yên Bái Hà Nội 27°C

Tín hiệu thẩm mĩ trong "chút sen còn lại" của Hồng Thanh Quang

Văn hóa
17/02/2022 10:20
Hoàng Kim Ngọc/Hà Nội 6/10/2021
aa
“Chút sen còn lại” là một tập thơ độc đáo của Hồng Thanh Quang, chỉ xoay quanh một chủ đề: SEN.


Đó cũng là một điểm giống nhau khá thú vị của một số tác giả trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, có tác giả viết các bài thơ trong tập chỉ về một chủ đề Sông Thương (Nguyễn Phúc Lộc Thành – Sông Thương, Nxb Hội Nhà văn 2018), có tác giả chỉ viết thơ về chủ đề bóng đá (Phạm Văn Tình, Không theo quỹ đạo lăn, Nxb Dân trí, 2021), có tác giả chỉ Luận về toàn những điều giản dị trong cuộc sống quanh ta nhưng lại rất minh triết (Đỗ Anh Vũ, Lảo đảo giữa nhân gian, Nxb Hội Nhà văn, 2021)…

Sen trong “Chút sen còn lại” là một tín hiệu thẩm mĩ luôn được hiện về trong hoài niệm của một tâm hồn thơ đa cảm, đa tình và cả đa đoan. Sen vừa là hình ảnh thực vừa là ẩn dụ của mỹ nhân, tình yêu và cái đẹp.

Untitled_6_2-1633593257241

“Chút sen còn lại như tình…”

Có lẽ chưa một nhà thơ nào viết về sen nhiều như Hồng Thanh Quang. Khảo sát 63 bài thơ trong tập Chút sen còn lại, bài nào cũng có hình ảnh sen. Sen không chỉ có mặt ở nhan đề tập thơ mà sen còn xuất hiện trong tên của nhiều bài thơ như: Cho một loài sen, Đời sen, Thiếu phụ đầm sen, Tháp Mười vẫn đỏ màu sen, Dư sen, Viết giữa đầm sen, Những bông sen mùa đại dịch, Có bùn mới ngát hoa sen, Bão thì mặc bão sen vẫn nở, Vô đề sen, Luyến sen, Sen cuối mùa thơm bàn tay thiếu nữ, Nhìn sen chỉ nhớ em thôi, Cảm ơn người tặng sen hồng, Hạ tàn bình vẫn hồng sen, Bạch liên, Chút sen còn lại như tình… Nếu sen không xuất hiện ngay ở nhan đề thì trong nội dung của bài cũng đều có hình ảnh sen.

Tại sao Hồng Thanh Quang lại chọn Sen làm nhãn tự cho tập thơ mà không phải là một từ khóa khác? Phải chăng, sen từng là biểu tượng của cái ĐẸP trong văn hóa Việt: Trong đầm gì đẹp bằng sen / Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng / Nhị vàng bông trắng lá xanh / Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Người Việt mình không chuộng những hoa có sắc không hương: Có đỏ mà chẳng có thơm / Như hoa dâm bụt nên cơm cháo gì. Nếu phải lựa chọn giữa sắc và hương thì tâm lí người Việt thường trọng hương. Để chỉ người thanh lịch, ca dao nói: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài hoặc để ví cái nụ cười duyên của người con gái, ca dao nói: Miệng cười như thể hoa ngâu.

Hoa sen vừa có sắc lại có hương nên đích thị là loài hoa quý. Phải chăng, sen ấy là sen đầu mùa thường được cắm trong bình vào tháng sáu, sen ấy được sinh ra vào mùa hạ? Phải chăng đây là tập thơ tình của “người đàn ông mùa thu” viết về “một loài hoa mùa hạ”? Sen ấy trong thơ Hồng Thanh Quang chính là một tín hiệu thẩm mĩ đặc biệt, là Nàng thơ ảo diệu, “nàng” là tổng hòa của nhiều rung động nhỏ để đọng lại thành một xúc cảm lớn, ám ảnh mãi trong kí ức thời trai…

Sen trong thơ Hồng Thanh Quang vừa có nghĩa đen, vừa có nghĩa ẩn dụ và nhân hóa. Nhưng ngay cả khi Sen xuất hiện với nghĩa thực thì nó cũng chỉ là hình ảnh gợi thi hứng để nhà thơ nói về những kí ức thanh xuân hoặc những xao xuyến trước người đẹp của một tâm hồn nhạy cảm đa tình mà thôi.

Chỉ một mùi hương lạ thoảng bay mà anh bỗng nhớ về hương sen quen thuộc trong hoài niệm. Trong không gian thơm hương ấy thì cái ánh nhìn như đùa của một người dưng cũng khiến trái tim đa tình xao xuyến, “ngẩn ngơ”, rồi ngay lập tức cảm thấy“gió lạnh lùa sau lưng” và hồn nhiên thú nhận sự phải lòng: Lùm xanh nắng bỗng nhiên bừng,/ Ừ sao lại thích người dưng thế này... (tr.22). Ca dao đã từng nói: “Gió sao gió mát sau lưng/ Dạ sao dạ nhớ người dưng thế này”. Biết bao “người dưng” ấy đã trở thành món nợ nhân duyên từ trong tiền kiếp, đi cùng với mỗi chúng ta một đoạn đường đời có thể ngắn hoặc dài mang tên gọi Đa Đoan.

a2-6944

Bìa tập thơ “Chút sen còn lại” của nhà thơ Hồng Thanh Quang.

Ngay cả khi bông sen hiện hữu được dâng lên chùa cúng Phật: Ta dâng lên Phật, lên thần, / Sen hồng một nắm, một mâm cốm Vòng (tr.18) thì Sen cũng chỉ là cớ để người thơ nhớ đến một mùa thu đã xa được cùng ai đó lên chùa, để rồi tấm tình tử tế ấy bỗng bâng khuâng với một câu hỏi giữa nơi thiền định: Liêu xiêu nắng quái sân chùa/ Bây giờ em đã hay chưa lấy chồng... (tr.19).

Hoặc trước những bông sen được tặng, người thơ đã lại xúc động vân vi: Mai sau biết có bao giờ/ Ủ trong nhuỵ ấy câu thơ muộn màng... (tr.102). Qua Hồ Tây nhìn sen trên đầm thì “chàng trai mùa hạ” lại cảm thấy: Anh đi rối lẫn trăm đường vẫn em. (tr.25). Đứng trước đầm sen, người thơ bỗng lại liên tưởng tới người thiếu phụ lớn tuổi không chồng: Năm nay về lại không chồng/ Nhớ ghê chị nhỉ, thuở bồng tóc mây (tr.28)...

Bên cạnh sen nghĩa đen thì sen với nghĩa ẩn dụ và nhân hóa trong thơ Hồng Thanh Quang được dùng nhiều hơn. Sen được gọi là “em” một cách âu yếm, dịu dàng: Sáng rồi, sen thức chưa em (tr.13). Chữ em ở đây chắc chắn là em - sen chứ không thể là em nào khác.[2]. Trần Hòa Bình trong Bài hát ru hoa sen cũng đã từng thức để ru Sen ngủ: Ngủ đi những đóa sen (…) Ngủ đi những đóa hoa vợ chồng. Ta ru hoa một đêm dài đơn độc. Sen trong thơ Hồng Thanh Quang không chỉ biết ngủ, biết thức mà còn biết buồn (Anh lặng thầm gánh nốt những buồn sen – tr. 58); sen còn có trái tim (Trái tim thiếu phụ, hoa sen (tr.99) và thậm chí Sen còn có… tuổi [trong kết hợp từ “sen hồng đứng tuổi(tr.38)]. Vậy, tập thơ này là Hồng Thanh Quang viết riêng “Cho một loài sen” (tr.7) rất đặc biệt (và tôi muốn bắt đầu viết hoa chữ Sen từ đây). Sen - “đóa hoa chồng vợ” ấy đã trở thành ẩn dụ, tín hiệu thẩm mĩ cho người đẹp. Sen là tình yêu của một kẻ đa tình, lụy cái đẹp, của kẻ luôn yêu hết mình và đã từng tuyên bố: Yêu như lao xuống dòng nước xoáy/ Giữa trời rơi không chịu mở dù.

Sen “luyến tình còn đọng lại cùng mê...”

Tập thơ “Chút sen còn lại” man mác nỗi buồn hoài niệm, là sự trở về của kí ức và có một sự tri ngộ rõ hơn về tính hữu hạn của thời gian, khi người thơ ấy biết mình đã đi qua các nấc thời gian: hết thời thơ ấu, hết tuổi học trò, đã cạn thời trai:

trên cánh đồng của tôi mùa ấu thơ đã hết (tr.3)

Anh đã hết thời chép thơ kín vở,/ Chờ ai qua trang giấy bỗng dưng nhầu (tr.21)..

Bây giờ ta cạn thời trai,/ Câu thơ run rẩy nép ngoài khóe môi (tr.60)

Giờ đã hết thời trai/ Hoang hoải nhìn nắng quái (tr.91)

Tôi rất hiểu, chẳng thể còn diễm phúc/ Hôn đôi môi dụ nắng xoay chiều...

Người thơ ấy tuy nhận ra “ta già” về tuổi tác, tóc đã chuyển màu nhưng trái tim, tâm hồn thì vẫn trẻ trung, vẫn yêu thơ, yêu đời, yêu người và mơ mộng:

Giữa thu, sen vẫn hồng như hạ/ Ta già, nguyên một trái tim non (tr.29)

Chuyển màu tóc vẫn một lòng yêu thơ (tr. 81)...

Ta dù đã hết thời trai/ Vẫn âm thầm muốn thổi dài cơn mơ (tr. 44)

Những mùa hạ đã làm sen úa/ Máu thanh xuân ta còn giữ trong mình

Và trong kí ức thơ ấy, Sen là niềm hoài niệm cứ trở đi trở lại trong miền viễn du. Sen là dư âm (Dư sen), sen là cái tình lưu luyến “quyến hương” (Luyến sen). Sen “luyến tình còn đọng lại cùng mê”. Sen đã xuất hiện vô thức trong nhiều giấc mơ, trong những “chập chờn” ảo giác của “chàng trai mùa thu” với Sen - “loài hoa mùa hạ”. Có 21/63 bài thơ xuất hiện giấc mơ, tức là cứ trung bình khoảng 3 bài lại có một lần (gồm cả chiêm bao, mộng, ảo giác).

Hình như, cứ mỗi lần Sen xuất hiện trong giấc mộng thì Hồng Thanh Quang lại có một bài thơ xuất sắc. Trong những giấc mơ vô thức ấy, Sen bước ra như một linh hồn còn vương vấn cõi trần ai. Nhà thơ dường như cảm nhận được điều đó rõ ràng lắm, nên có lúc bỗng lạnh run người, có lúc lại thảng thốt giật mình:

- Trong phả lại hương bùn,/ Trời oi mà bỗng dưng run lạnh người... (tr.38);

- Bùa nào em trộn vào đêm,/ Chật chờn giấc ngủ nhiều thêm giật mình... (tr.9);

- Kí ức em tưởng mờ như trăng khuyết/ Bỗng ảo hình xáo trộn những vần thơ (tr. 57), v.v…

Tín hiệu thẩm mỹ Sen như một ẩn ức tính dục được biểu hiện kín đáo trong thơ Hồng Thanh Quang. Đóa hoa – người ấy cứ như một thứ bùa yêu khiến nhà thơ cứ mãi khát khao, mê đắm trong mơ và ảo giác:

- Thèm một bình sen hồng đứng tuổi,/ Như đã cùng ta qua giấc mơ.../ Dẫu không đỏ đắn như thanh nữ,/ Vẫn ngát môi mình khi ấp thơ... (tr.38);

- Ta thèm trong ảo giác/ Hôn môi hồng cánh sen,/ Dù thực tình ta biết/ Tên em là Lãng Quên... (tr.97);

- Có lần tôi nằm mê/ Sân đình sen hồng thắm.../ Và cũng ở trong mơ/ Tình cờ xem em tắm... (tr. 91);

- Bông sen vẫn trắng trong bùn,/ Rễ quỳnh còn ấm giữa mùn cưa nâu.../ Nửa đêm mộng quấn quanh đầu/ Tỉnh ra dịu tỏa sắc ngâu sáng phòng (tr.14)

- Còn bình sen thức cùng ta,/ Nửa đêm chợt tỉnh hương hoa dịu dàng/ Bỗng nhiên lại cũ càng,/ Đôi môi phấp phỏng giữa ngàn trống không... (tr.41)

- Cuộc đời như một cơn mơ/ Vỡ câu lục bát trên tơ tưởng tình...(tr.81)

Trái tim người đàn ông đa tình ấy luôn trân trọng Sen, tin tưởng phẩm chất Sen: Họ chỉ thấy bao lần bão táp / Cánh trắng em lấm láp bùn đen... / Riêng anh vẫn đinh ninh sau trước,/ Em còn nguyên vẹn là sen. (tr.7)... Câu cuối của khổ thơ này bỗng nhiên giảm đi chỉ còn 6 chữ, đột ngột ngắn lại như một lời khẳng định chắc chắn về phẩm chất Sen.

Trong không gian: Em. Bốn bề ngan ngát ánh hồng sen, người thơ luôn nâng niu Sen, không dám làm đau em. Ngay trong lúc yêu, người thơ cũng bối rối, rụt rè tự hứa: Anh bối rối như năm mười sáu tuổi, / Nói rụt rè: Sẽ không để đau em (tr.11).

Hồn thơ đa cảm này xót xa một đời Sen “chua chát” và ngắn ngủi mà đôi khi rưng rưng, muốn khóc:

Đêm còn e ấp,/ Sáng đã nở tung./ Mừng nhanh một kiếp,/ Thế mà rưng rưng...(tr.)

Dẫu cuộc đời đã khiến em chua chát,/ Giữa bùn lầy vẫn ngàn ngạt mùi sen,/ Nghe em hát, bỗng dưng anh muốn khóc,/ Thương cánh cò chết lạ vì quen... (tr.)

Thơ Hồng Thanh Quang là cái tình ngọt ngào của người đàn ông tử tế luôn mong muốn được làm những điều tốt đẹp nhất, giúp cho người mình yêu, chấp nhận sự thiệt thòi:

Để em mãi thanh xuân / Anh xin già trước tuổi

Giữa sen hồng chỉ muốn giúp em xanh (tr.105)

Đây là thơ của một người đàn ông mùa thu đa tình. Sen trong thơ anh bao giờ cũng gợi liên tưởng tới người đẹp, có lúc đó là hình bóng một người đứng tuổi, một thiếu phụ không chồng, một người tươi trẻ, một người dưng…; có lúc mĩ nhân được hiện ra với một gương mặt trăng rằm, một mái tóc mun, một dáng ngồi nghiêng, một nụ cười trong mắt biếc, một đôi mắt huyền nâu, một bàn tay mềm mại, một cặp môi cong, một đôi môi trăng khuyết, “một cặp môi huyền thơm mịn vào nhung”…

Hồng Thanh Quang luôn hồn nhiên thành thực với lòng: thích thì nói thích, thèm thì nói là thèm, đã hơn một lần từ “thích”, từ “thèm” được thốt ra không cần giấu diếm trong những bài khác nhau: “Vẫn thèm môi nắng hườm da/ Sao người đã vội bỏ xa cách người” (tr. 92). “Anh thích lắm, nụ cười trong mắt biếc,/ Đôi môi cong kiêu hãnh tuổi đương rằm (tr. 20) (Hình ảnh môi cong cũng xuất hiện trong thơ anh không phải chỉ một lần, nó đã từng có mặt ở một tập thơ khác: “Anh thường mơ vướng dây tơ/ để lấy làm vợ một cô thật hiền/ Thật hiền mà đẹp như tiên/ Môi cong, mũi thẳng, đồng tiền lúm đôi…”.

Nhưng chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy, người đẹp gắn với sen trong thơ anh không thật cụ thể mà nhiều khi mang tính ước lệ bởi những từ ngữ mà anh đã dùng rải rác trong các bài như: gót sen hồng, thanh tân, thanh nữ, thiếu nữ, mỹ nhân, cố nhân hoặc với hình ảnh cô thôn nữ mặc áo nâu: “em nâu áo và ngực mang đầy gió” (tr.35), đội nón trắng: “cứ lung liêng sắc trắng nón ai chằm” (tr.36). Cho nên các hình bóng các “nàng” ở trên, gộp lại để chỉ chung phái đẹp mà thôi.

Phái đẹp là nguồn thi hứng cho Hồng Thanh Quang. Họ luôn đem lại những mát lành, xoa dịu những vết đau đời của nhà thơ. Cho nên nhà thơ đôi lúc thèm một bàn tay phụ nữ. Người đa tình nhiều lúc rất cô đơn: Cho anh được nắm tay em nhé,/ Buổi chiều nay anh bỗng quá cô đơn (tr.82). Hoán dụ bàn tay ấy là để chỉ một người nữ nói chung chứ không riêng một đối tượng cụ thể nào: Bàn tay ấy có thể không của mẹ/ Không của em, chưa chắc của bạn bè/ Bàn tay ấy có thể không tình ý/ Nhưng luôn như cơn gió đêm hè. (tr.54)

Người thơ ấy đa tình nhưng lại chẳng phụ ai. Anh biết: từ chối cũng là một cách yêu. Nhiều khi lòng thấy vân vi, day dứt vì không thể giúp cho người ấy thanh thản trên đường đời bởi những lí do khách quan:

Đường chật chội, anh chẳng làm sao được/ Giúp cho em thanh thản gót sen hồng... (tr.20)

Tôi là gì, sao tôi chẳng là ai? (tr.105)

(Nhà thơ Nga Sergei Esenin cũng từng nói: Ta là ai? Ta là chi? Chỉ là người huyễn tưởng)[3].

Tuy Sen – mĩ nhân trong thơ Hồng Thanh Quang đa dạng trong những kết hợp từ ngữ nhưng cuối cùng thì Sen mùa cũ (sen cũ, sen trong trí nhớ, sen năm ngoái…) vẫn chiếm ưu thế. Sen đó cứ chập chờn, ám ảnh trong vô thức nhà thơ như một niềm riêng thiêng liêng, đẹp đẽ mà anh hằng tiếc nuối, muốn quay ngược thời gian trở về quá khứ:

Mãi còn lại từ mùa sen năm ngoái/ Một chập chờn sa ngã hoá thiêng liêng... (tr.40)

Sen chỉ còn hồng trong trí nhớ/ Và ta phút đó cũng là xa.../ Làm sao quay được về năm cũ,/ Bã trà quất lại chút hương hoa... (tr.37)

Sen cũ ngỡ lìa ngó ý,/ Tơ tình vướng víu trên vai. (tr.)

Hồng Thanh Quang tự nhận là người đàn ông lụy tình nhưng lại được nhiều: Lụy tình thiệt cũng là hơn (tr.) Nhưng giống như thơ Sergei Esenin (“Ta chẳng chút hờn ghen chi em cả/ Chẳng bao giờ ta quở trách em chi”), thơ Hồng Thanh Quang cũng không thấy ghen với người, chỉ thấy người ghen; anh chỉ ghen với chính mình và nếu có ghen thì cũng chỉ ghen với mỗi… ông giời:

Bùa nào vô cớ làm ghen/ Bao nhiêu ký ức mang tên họ người... (tr.10)

Ai đang bán dạo sen hồng,/ Em làm sao để cho chồng đỡ ghen (tr.92)

Già thực rồi nên chỉ/ Thương những người đã ghen (tr.101)

Ta dù chìm đắm nhiều phen,/ Trái tim thành thực chỉ ghen chính mình (tr.106)

Mang về hơi mát đầm sen,/ Cả rôn rốt nắng thoáng ghen với giời (tr.30)

Tập thơ “Chút sen còn lại” của Hồng Thanh Quang sử dụng khá nhiều từ ngữ Hán Việt như: huyền linh, linh huyền, hoàn nguyên, hữu lý, tàn luân, biên trấn, viễn du, huyên tình, ngự lãm, hoàng hương, tà dương, cố hương, triều cường, phiêu lãng, cung Thiềm, tang bồng, giang hồ, hạ huyền, huyễn thư, mỹ nhân, cố nhân, độc hành khúc….. Thực ra, các nhà thơ hiện đại bây giờ ít dùng lớp từ này. Bởi lẽ, từ Hán Việt so với từ thuần Việt đồng nghĩa vẫn có sự khác nhau tinh tế về sắc thái nghĩa. Nếu từ Hán Việt thường mang nghĩa trừu tượng, tĩnh tại, cổ kính và trang trọng thì từ thuần Việt thường gợi hình ảnh cụ thể, sinh động, hiện đại và gần gũi. Việc dùng nhiều từ Hán Việt ở đây là phù hợp để nói về những hoài niệm thiêng liêng, đẹp đẽ trong kí ức và những cái gì đó mơ hồ, lung linh, trừu tượng.

Có thể nói “Chút sen còn lại” hay và độc đáo không phải bởi sự cách tân hình thức, không phải bởi sự kết hợp từ ngữ lạ hóa mà bởi đó là tập thơ duy tình: nhiều yêu, nhiều nhớ, nhiều thương, nhiều mơ, nhiều mộng, nhiều nâng niu, chia sẻ… với Sen. Sen trong thơ Hồng Thanh Quang đã được nâng lên thành một tín hiệu thẩm mĩ về cái đẹp trong tâm hồn người nữ, về sự thiêng liêng cuả tình yêu trong quá khứ. Sen được láy đi láy lại trong các bài thơ, đó chính là kí ức pha lê của “chàng trai mùa thu” đã vào tuổi xế chiều: Đi chồn gối vẫn mơ về tiếng hát/ Rụt rè, thầm thĩ, rưng rưng… (tr.88), Em ở nơi nào anh cũng nhớ/ Nụ cười ngời trong ốc đảo hồng sen (tr.87).


[1] Hồng Thanh Quang, Chút sen còn lại, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2021

[2] Ta có thể làm một phép thử với 2 câu hỏi diễn nôm như sau: (1) Sáng rồi đấy, (em) Sen ơi, đã thức dậy chưa? và (2) Sáng rồi đấy, em có thấy sen (trong bình/ trên mặt đầm) thức dậy chưa? Câu hỏi (2) chắc chắn bị loại, bởi sen thức là cách nói nhân hóa, là thơ. Còn trong câu nói thường này, người ta sẽ nói sen nở chứ không phải sen thức.

[3] Tên bài thơ của Sergei Esenin (1895- 1925) do Hồng Thanh Quang dịch

bài liên quan
Tác giả Vũ Thị Huyền Trang kiếm tìm niềm vui sống của những người lao động

Tác giả Vũ Thị Huyền Trang kiếm tìm niềm vui sống của những người lao động

Trong thơ, tác giả Vũ Thị Huyền Trang từng viết: “Người lớn kể cổ tích cho trẻ con nghe/ Nhưng người lớn không tin vào cổ tích/ Trẻ con là phép thử/ Sự thiện lương trong gốc rễ con người”.
Tác giả Vũ Thị Huyền Trang kiếm tìm niềm vui sống của những người lao động

Tác giả Vũ Thị Huyền Trang kiếm tìm niềm vui sống của những người lao động

Trong thơ, tác giả Vũ Thị Huyền Trang từng viết: “Người lớn kể cổ tích cho trẻ con nghe/ Nhưng người lớn không tin vào cổ tích/ Trẻ con là phép thử/ Sự thiện lương trong gốc rễ con người”.
Không khí giáng sinh rộn ràng tại nhà thờ đá Phát Diệm – Kim Sơn

Không khí giáng sinh rộn ràng tại nhà thờ đá Phát Diệm – Kim Sơn

Đồng bào Công giáo tại thị trấn Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình đang có những ngày rộn ràng chào đón Giáng sinh và chuẩn bị năm mới 2021.
“Chuông vang lên, chuông giáo đường vang lên”...

“Chuông vang lên, chuông giáo đường vang lên”...

Ngày lễ Giáng sinh không có nguồn gốc từ Việt Nam, đó là ngày lễ của những người theo Kitô giáo như: Công giáo, Tin lành. Đạo Công giáo du nhập vào Việt Nam từ năm 1533 và đến nay đã trở thành một trong những tôn giáo có số lượng tín đồ đông đảo. Đây được xem là ngày Tết của thương yêu và gia đình…
Kỷ niệm với hai người văn vừa khuất

Kỷ niệm với hai người văn vừa khuất

Hôm 22/11, một ngày 2 người văn ra đi. Một nhà thơ - Nguyễn Xuân Sanh và một dịch giả - Đoàn Tử Huyến. Cả hai ông tôi đều quen, mặc dù họ hơn tôi rất nhiều tuổi.
Giới thiệu bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn

Giới thiệu bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn

Chiều 21/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức buổi thuyết trình, giới thiệu về một số di sản văn chương thời Nguyễn, đặc biệt là bản Truyện Kiều chép tay của Hoàng gia triều Nguyễn.
Mới nhất
Đọc nhiều
Ông Hoàng Cương được bổ nhiệm giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ Y tế

Ông Hoàng Cương được bổ nhiệm giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính của Bộ Y tế

Ông Hoàng Cương, Thạc sĩ Quản lí Kinh tế, Kĩ sư, Trưởng phòng chính sách đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính thuộc Bộ Y tế.
Môi biến dạng, viêm nhiễm sau phẫu thuật hình trái tim

Môi biến dạng, viêm nhiễm sau phẫu thuật hình trái tim

Cô gái 24 tuổi (Hà Nội) tới khám tại khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong tình trạng toàn bộ môi và vùng mặt dưới sưng nề. Vùng môi biến dạng, mất cân đối, chảy nhiều mủ trắng bẩn, viêm nhiễm rất nặng.
2 cán bộ kiểm lâm tử nạn khi tham gia chữa cháy rừng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

2 cán bộ kiểm lâm tử nạn khi tham gia chữa cháy rừng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Quá trình nỗ lực dập lửa, 2 cán bộ kiểm lâm đã không may tử nạn khi tham gia chữa cháy rừng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh tại địa bàn giáp ranh xã Phương Tiến, Lao Chải, Xín Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Tin bài khác
Bộ GD&ĐT đề nghị làm rõ vụ việc vi phạm đạo đức trong trường học ở Tuyên Quang

Bộ GD&ĐT đề nghị làm rõ vụ việc vi phạm đạo đức trong trường học ở Tuyên Quang

Liên quan đến nữ giáo viên tại Tuyên Quang bị một nhóm học sinh có hành vi thiếu chuẩn mực, Bộ GD&ĐT yêu cầu xử lý nghiêm khắc theo đúng mức độ vi phạm đối với các cá nhân và tập thể có liên quan.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp Tết, Lễ hội xuân 2024

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tập trung xử lý vi phạm nồng độ cồn dịp Tết, Lễ hội xuân 2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 1300/CĐ-TTg ngày 5/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đối thoại với thanh niên về chuyển đổi số

Chiều 5/12, quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức chủ trì buổi đối thoại với thanh niên năm 2023 bằng cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Lạng Sơn đạt tỷ lệ thấp

Giải ngân vốn đầu tư công tỉnh Lạng Sơn đạt tỷ lệ thấp

Ngoài những huyện có tỷ lệ giải ngân thấp, có một số chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân cao như huyện Văn Lãng, huyện Cao Lộc, huyện Bắc Sơn.
An sinh, an dân

An sinh, an dân

Bảo đảm an sinh xã hội (ASXH), chuyển từ hỗ trợ nhân đạo sang bảo đảm quyền an sinh của công dân là một trong những điểm nhấn được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết 42-NQ/TW của TW8, khóa XIII. Đó là một trong những thành tựu sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của TW15, khóa XI.
Tìm giải pháp căn cơ giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội

Tìm giải pháp căn cơ giảm ùn tắc giao thông tại Hà Nội

Hôm qua (5/12), Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa 16 khai mạc, dự kiến diễn ra trong 4 ngày.
Khai mạc hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI

Khai mạc hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI

Sáng 5/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XVI (mở rộng) khai mạc Hội nghị lần thứ 14.
Tăng giá trần vé máy bay nội địa lên 4 triệu đồng

Tăng giá trần vé máy bay nội địa lên 4 triệu đồng

Bộ Giao thông vận tải, vừa ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT điều chỉnh khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 03 năm 2024.
Sáng nay 5/12, HĐND Thành phố Hà Nội khai mạc Kỳ họp cuối năm

Sáng nay 5/12, HĐND Thành phố Hà Nội khai mạc Kỳ họp cuối năm

Sáng nay, ngày 5/12, Kỳ họp thường lệ cuối năm (Kỳ họp thứ 14) HĐND TP Hà Nội khoá XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 chính thức khai mạc. Theo dự kiến, kỳ họp diễn ra từ ngày 5 đến 8/12 để xem xét, thông qua 67 nội dung gồm 25 báo cáo và 42 nội dung ban hành nghị quyết.
Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt hơn 913 nghìn tỷ đồng

Tổng tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt hơn 913 nghìn tỷ đồng

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2023, thị trường bảo hiểm ghi nhận tổng tài sản ước đạt 913.336 tỷ đồng.
khai mac trien lam anh ve khu do thi trung tam thanh pho hai phong

Khai mạc Triển lãm ảnh về Khu đô thị trung tâm thành phố Hải Phòng

Ngày 26/4, tại Hà Nội, thành phố Hải Phòng phối hợp với Viện Hàn lâm Kiến trúc Pháp – Việt tổ chức Triển lãm ảnh Hải Phòng – Pháp Heritage với chủ đề “Di sản kiến trúc hôm nay, thịnh vượng cho ngày mai”.
pho di bo ho hoan kiem ha noi mo lien tuc 6 ngay dip le 304 15

Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm - Hà Nội mở liên tục 6 ngày dịp lễ 30/4 - 1/5

UBND quận Hoàn Kiếm thông tin sẽ kéo dài hoạt động các không gian đi bộ trên địa bàn trong dịp nghỉ lễ, từ ngày 26/4 đến 1/5.
thu tuong chinh phu yeu cau bao dam cung ung dien trong thoi gian cao diem

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 38/CĐ-TTg ngày 15/4/2024 về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.
bo gtvt de nghi khac phuc viec nhieu cao toc khong co song dien thoai

Bộ GTVT đề nghị khắc phục việc nhiều cao tốc không có sóng điện thoại

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu sớm phủ sóng điện thoại di động và cung cấp dịch vụ viễn thông trên các tuyến cao tốc.
hang khong tiep tuc tang chuyen phuc vu dip nghi le 304 15

Hàng không tiếp tục tăng chuyến phục vụ dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Theo Cục Hàng không Việt Nam, các hãng bay dự kiến tăng khoảng 120 chuyến, tương đương hơn 20.000 chỗ mỗi ngày trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30/4 - 1/5. Trước đó, các hãng hàng không trong nước đã lên kế hoạch cung ứng từ 100.000 đến 110.000 chỗ mỗi ngày trên đường bay nội địa, tăng khoảng 20% so với lịch bay tháng 3.