Lãnh đạo EVNHCMC nhận định, trong điều kiện El-Nino, nắng nóng kéo dài và nền nhiệt tiếp tục tăng cao như dự báo thì sản lượng điện tiêu thụ của thành phố sẽ tiếp tục tăng cao và lập kỷ lục mới trong tháng 4 và 5/2024.
Đặc biệt dự báo sẽ có một số ngày sản lượng tiêu thụ điện sẽ vượt trên 95 triệu kWh/ngày, lập kỷ lục mới về tiêu thụ điện tại TP.HCM.
Đây là thông tin được ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) thông tin tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội trên địa bàn do Ban Tuyên giáo Thành ủy và Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức vào chiều 28/3.
|
Toàn cảnh họp báo. |
Theo EVNHCMC, quý II hằng năm tại khu vực TP.HCM là giai đoạn cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37-40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, thậm chí cả thời gian ban đêm. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của khách hàng tăng lên, chủ yếu do sử dụng nhiều các thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh.
Đối với mùa khô năm 2024, do hiện tượng El Nino nên thời tiết nắng nóng gay gắt đã bắt đầu từ tháng 3, với nhiệt độ trung bình cao hơn năm trước từ 1–1,5 độ C.
Phân tích số liệu sản lượng điện tiêu thụ tại thành phố tính đến ngày 26/3 cho thấy, sản lượng tiêu thụ bình quân đạt 78,13 triệu kWh/ngày, cao hơn 12,02% (tương đương 8,38 triệu kWh/ngày) so với cùng kỳ năm 2023. Riêng ngày 26/3 có sản lượng tiêu thụ điện cao nhất tính từ đầu năm, đạt 92,46 triệu kWh/ngày.
Tiêu thụ điện của khách hàng sinh hoạt (chiếm 49,55% tổng sản lượng) có mức tăng 11,90%, tăng mạnh hơn nhiều so với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt (tăng 7,32%; chiếm 50,45% tổng phụ tải). Trong nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, sản lượng tiêu thụ điện của nhóm công nghiệp và xây dựng (chiếm 29,49% tổng sản lượng) cũng tăng 6,20%.
|
Ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM chia sẻ tại buổi họp báo. |
EVNHCMC cho biết dù chưa vào mùa nắng nóng cao điểm, nhưng trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM đã đạt 4,47 tỷ kWh; tại 21 tỉnh phía Nam (trừ TP.HCM) đã đạt hơn 13,5 tỷ kWh, tăng tới 13,7% so với cùng kỳ năm 2023 (số liệu EVN). Dự báo tiêu thụ điện cả nước sẽ tiếp tục tăng từ nay đến tháng 6, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã chỉ đạo các đơn vị thành viên triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, khẩn trương để đảm bảo cung cấp điện cho cả nước.
Dự báo sản lượng điện nhận bình quân ngày của tháng 4,5,6/2024 tiếp tục tăng cao đạt từ 84,30 đến 87,60 triệu kWh/ngày và đỉnh điểm trong tháng 4 và 5 năm 2024 dự báo sẽ có một số ngày điện nhận vượt trên 95 triệu kWh/ngày là mức cao nhất chưa từng có trong lịch sử điện nhận tại TP.HCM.
|
Biểu đồ sản lượng điện bình quân ngày thay đổi theo nhiệt độ tại TP.HCM. |
Hệ thống điện TP.HCM hiện nay có độ dự phòng về công suất từ 40-60% tùy theo cấp điện áp. Do đó, đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ tải của thành phố theo tất cả các kịch bản tăng trưởng.
“Tuy nhiên, không loại trừ xảy ra quá tải cục bộ, phạm vi nhỏ do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong cùng một thời điểm. Do đó, EVNHCMC khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để hạn chế thấp nhất làm tăng tiền điện trong các tháng cao điểm mùa hè”, ông Bùi Trung Kiên chia sẻ.
Ngoài ra, nguồn điện cung cấp cho TP.HCM chịu sự điều tiết chung của Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia. Hiện nay, thành phố đang được ưu tiên đảm bảo đủ nguồn điện.
Tuy nhiên, để đảm bảo vận hành hệ thống được an toàn và chia sẻ với cả nước, cần tăng cường tuyên truyền vận động tiết kiệm điện và sẵn sàng các phương án điều tiết khi có yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
|
Nắng nóng gay gắt làm sản lượng điện tiêu thụ của các tỉnh, thành phía Nam tiếp tục tăng cao. |
Phân tích biểu đồ công suất điện theo giờ, EVNHCMC cho biết khung giờ cao điểm sử dụng điện tại TP.HCM là 13h-16h và 20h-22h30. Để nâng cao hiệu quả sử dụng điện, EVNHCMC đề nghị thành phố cần tuyên truyền và triển khai các giải pháp giảm tiêu thụ điện trong các khung giờ này, hoặc dịch chuyển sử dụng sang các khung giờ thấp điểm khác.
Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Người dân chú ý sử dụng hợp lý điều hòa nhiệt độ (đặt ở mức 26 - 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.