Được thành lập vào 2/9/1999, cầu thang văn hóa tại khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội luôn nhận được sự chú ý từ công chúng, độc giả.
Trải qua hơn 20 năm hình thành và phát triển, cầu thang văn hóa đã và đang thể hiện vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đời sống dân cư, đặc biệt là những cư dân đang sinh sống trong khu vực này.
|
Cầu thang văn hóa tại tòa nhà A3 khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội. |
Thư viện nhỏ lòng phố
Tại cầu thang văn hóa tòa nhà A3 (tổ 17, khu tập thể Nghĩa Tân, Cầu Giấy, Hà Nội) luôn hiện hữu một thư viện nhỏ, tươm tất với những tờ báo mới được sắp xếp gọn gàng trên những chiếc bàn cũ kỹ. Nhưng chính nơi này lại là nơi trao đổi “tri thức” cho mỗi người dân khi dừng chân như một thói quen vô hình.
Đặc biệt, hình ảnh bà Đào Thị Anh Tuấn - người phụ trách cầu thang văn hóa chăm chú, cần cù sắp xếp từng tờ báo, từng cuốn sách đã trở thành hình ảnh quen thuộc đối với mỗi người dân của tòa nhà A3.
Được thành lập vào năm 1999 - là ý tưởng của những quân nhân đã về hưu nhưng vẫn luôn giữ tác phong đọc sách báo trong quân đội. Do đó, các cựu chiến binh đã lên ý tưởng xây dựng nên một thư viện nhỏ tại khu vực cầu thang của tòa nhà.
Với mục đích duy nhất là tạo một điểm đến văn hoá, nơi mọi người được tự do trao đổi thông tin sách báo, cũng như hiến tặng “tri thức” của mình, đó là những cuốn sách quý giá.
Để làm được điều này, ban đầu các ông đã tự tay đóng những bộ bàn ghế, vận động người dân quyên góp ủng hộ sách/báo. Dần dần, thư viện nhỏ được hình thành và trở thành một địa điểm để moi người đến đọc sách báo hàng ngày.
|
Không gian cầu thang văn hóa – thư viện thu nhỏ của tòa dân cư. |
Chia sẻ với Phapluatplus.vn, Bà Tuấn cho biết “Đầu tiên khu vực cầu thang chỉ là một tủ sách nhỏ đóng ở tường, sau đó đến năm 2019 - kỷ niệm 20 năm thành lập cầu thang văn hóa, nhân dịp này, tổ dân phố đã đóng tặng một tủ sách mới.
Khi hình thành cầu thang văn hóa phong trào đọc báo diễn ra mãnh liệt, đọc sách hăng hái, nên tôi đã huy động nhân dân ở nhà A này và độc giả các nơi ủng hộ mua báo. Dần dần kêu gọi các tổ chức ủng hộ báo như báo Cựu chiến binh, phụ nữ, Khuyến học, Nhân dân,... mỗi báo một tờ”.
|
Tủ sách tại cầu thang văn hóa A3 và một số tờ báo được trưng bày. |
Được biết, mỗi sáng, bà Tuấn sẽ dậy sớm, tự tay sắp xếp những tờ báo mới nhất để giúp người dân dễ dàng lựa chọn được tờ báo mình cần. Đồng thời, bà cũng chia sẻ rằng khi bà vệ sinh khu vực cầu thang, mọi người cũng đều sẽ cùng làm việc với nhau.
Thời gian mọi người đọc sách báo và khoảng 8h - 9h và 16h - 17h. Vào những khung giờ này, người dân sẽ di chuyển đến khu vực cầu thang để đọc sách báo và trò chuyện. Phần lớn độc giả của cầu thang văn hóa là những người lớn tuổi, trung niên... Mặc dù mạng xã hội, ti vi, loa đài phát triển những bà vẫn luôn duy trì mô hình thư viện nhỏ với mục đích lớn lao.
Để có thể giữ gìn trật tự, gìn giữ nét đẹp văn hóa của khu vực cầu thang, khu thư viện nhỏ đã có những quy định để độc giả tuân theo. Thư viện nhỏ tại tòa nhà A3 không chỉ nhận được sự quan tâm của người dân tại tòa, mà còn được sự hưởng ứng và ủng hộ của dân cư ở khu vực khác.
“Tận bên Nam Nghĩa Tân trước đây trường Đảng, Dịch Vọng cũng sang đây đọc. Nhiều người đến đây đọc, rồi lan tỏa ra các cầu thang khác, tòa N cũng có một khu để báo cho mọi người đọc, cầu thang A5 cũng có khu vực đọc sách báo, trước bên này đọc xong, bà còn mang sang cho bên cầu thang A4 đọc nhưng bây giờ không còn sức do tuổi già” - bà Tuấn cho hay.
|
Hình ảnh người dân đọc báo tại cầu thang văn hóa A3, khu tập thể Nghĩa Tân. |
Thư viện nhỏ - Ý nghĩa lớn
Nếu như trước kia, khi chưa có cầu thang văn hoá, khu vực cầu thang này được ví như cái kho, người ta để than tổ ong, đồ dùng, vật dụng. Nhưng theo bà Tuấn, khi làm “cầu thang văn hóa” này được hoàn thiện và đi vào hoạt động thì có nhiều cái "hay”.
Thứ nhất, kết nối tình làng nghĩa xóm rất chân thành, đặc biệt với những người lớn tuổi, đây là địa điểm mà họ có thể ngồi tâm sự nhiều chuyện mà không nói được với con nhưng nói được với bạn, chia sẻ, nói chuyện, giải tỏa với nhau làm cho đầu óc họ thoải mái, gắn kết tình cảm của nhau. Hay bất cứ nhà ai có ma chay hay cưới xin thì đều coi như anh em ruột thịt, giúp đỡ lẫn nhau.
Thứ hai, về an ninh được đảm bảo, phần vệ sinh môi trường ở xung quanh cầu thang lúc nào cũng sạch sẽ, ngăn nắp do mọi người cùng có trách nhiệm và cùng ý thức gìn giữ bảo vệ khu vực cầu thang.
|
Tất cả các bằng khen, giấy khen mà cầu thang văn hóa tại tòa A3 nhận được từ ngày thành lập đến nay. |
Đặc biệt, cầu thang văn hóa là nơi giáo dục cộng đồng, mọi lứa tuổi già trẻ trai gái lớn nhỏ đều qua đây đọc sách, báo. Đồng thời cũng giúp giáo dục cho những trẻ nhỏ cách ứng nhân xử thế và nhiều bài học thực tế khác.
Hơn 20 năm qua, mô hình cầu thang văn hóa tại nhà A3 đã lan tỏa ra nhiều khu vực trên địa bàn phường Nghĩa Tân góp phần xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa cho người dân. Một không gian nhỏ xinh được treo kín bằng khen, giấy khen của chính quyền phường, quận là minh chứng cho những nỗ lực của cư dân nơi đây trong việc xây dựng nên một không gian văn hóa cho mọi người.